3 February 2011

cua Huỳnh đế ở Quy Nhơn

Theo các lão ngư miền Trung, ngày xưa, vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua Huỳnh đế (còn gọi là Hoàng đế) lưu truyền trong dân gian.



Quán cóc bán cua Huỳnh đế trên đường phố Quy Nhơn

Cua Huỳnh đế xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân (khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch) và chỉ có nhiều ở vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận)... Đó là những vùng biển có đáy cát vàng và nguồn nước sạch, trong xanh - là nơi lý tưởng cho cua Huỳnh đế phát triển.




Cua Huỳnh đế

Cua Huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu, thịt rất chắc và độ đạm cao.Cua Huỳnh đế có thể chế biến nhiều món ăn, nhưng món đặc biệt nhất là hấp và nấu cháo.

Muốn nấu cháo, người ta rửa sạch cua và cho vào một cái bát lớn rồi đem hấp để giữ nguyên chất ngọt. Sau khi hấp, tách mai cua ra, dùng muỗng nạo hết gạch để vào một tô riêng. Phần càng que được lấy thịt đổ vào tô khác ướp nước mắm ngon, tiêu hành, bột ngọt... Kế tiếp bắc một chảo dầu ăn, phi hành củ cho thơm, đun nhỏ lửa, cho thịt cua vào và đảo đều cho thịt thấm. Khi cháo nhừ, cho thịt cua vào và để sôi vài phút. Ðổ gạch cua vào sau cùng. Nêm vừa ăn và cho lá hành, ngò xắt nhỏ, nhắc xuống, cho thêm tiêu vào.




Món cua Huỳnh đế hấp chấm nước mắm tỏi, ớt ăn kèm
xoài xanh, rau thơm

Bát cháo cua Huỳnh đế có ít mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu hồng cùng những thớ thịt màu trắng của cua, điểm xuyết những cọng ngò ta màu xanh rất đẹp mắt. Húp từng muỗng cháo nóng thơm lừng bên biển khơi lộng gió của thành phố biển Quy Nhơn, cảm giác thật tuyệt.

Hòa Vang (PNO)