3 February 2011

Lì xì ngày Tết

theo Người Việt



SÀI GÒN - Lì xì từ âm Hán Việt “lợi thị” có nghĩa lợi lạc, may mắn, tốt đẹp... Nguồn gốc từ xưa lợi thị bao gồm tài vật, quà cáp... Dần dần người ta nhận thấy phần nhiều quà lôi thôi, cồng kềnh lại khó đoán để tặng đúng ý nên sự việc được giản dị hóa bằng tiền đựng trong phong bao vừa lịch sự, vừa kín đáo.

Trước kia chỉ có người lớn trong gia đình: ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu lấy may nhưng nay tục lì xì đã được mở rộng. Người ta có thể lì xì vào bất cứ nơi đâu: văn phòng, ngoài quán, cửa sau... Bất cứ lúc nào: sáng, trưa, chiều, tối... như một thứ dầu mỡ bôi trơn cho công việc được trôi chảy.

Riêng lì xì trong bài này chỉ chỉ với ý nghĩa mừng tuổi vào dịp Tết Ta.

Phong bao đựng lì xì trước kia màu đỏ, bên ngoài in hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ hoặc chuỗi tiền đồng. Nếu không thì tiền cứ đưa tay cũng được tuy kém sự trang trọng của lễ Tết. Bây giờ phong bao lì xì tân tiến nhiều. Nền có thể màu vàng, màu hồng, màu xanh... hình hoa mai, hoa đào hoặc những câu chúc mừng năm mới chữ Việt. Một số phong bao Hongkong cũng xuất hiện ở Saigon bằng nhung với màu sắc và hình ảnh bắt mắt. Phong bao cũng có nhiều kích cỡ để tờ giấy bạc có thể nguyên hay gấp đôi chứ không gấp tư quá nhỏ như xưa.
Trẻ con ngoài áo mới còn mong lì xì. Thoạt tiên, từ bậc trên tặng xuống vai thấp hơn hoặc đặc biệt người già và trẻ em. Nhân dịp đầu năm, lộc rải đều không bỏ quên ai.

Tuy nhiên tục này ngày càng mở rộng. Ai cũng có thể cho và nhận cả. Người dưới có thể lì xì ngược lên cho ông bà, cha mẹ, anh chị... chứ không cần đợi đi xuống. Miễn rủng rỉnh thì rộng tay chứ cứ theo đúng tục xưa nhiều khi cũng khó cho những bậc bề trên không được dư dả.

Ðặc biệt lì xì ngày Tết nên là tiền mới cho nên rục rịch từ đầu Tháng Chạp, mọi người bắt đầu lo đổi tiền. Ai nấy lục lọi trí óc xem những mối quen biết ở ngân hàng, kho bạc, quầy tiết kiệm... tức là những nơi có dính dáng đến việc phát hành tiền.

Vắt óc nghĩ để nhờ mỗi người một ít. Tiền lì xì đẹp nhất là tờ mười ngàn cotton màu đỏ nhưng loại tiền này không còn phát hành nữa. Mọi năm còn đổi được tờ 1,000, 2,000 đồng bằng cotton nhưng năm nay khan hiếm chỉ còn đổi được 10,000, 20,000 polyme. Mặc dù mang tính lấy may đầu năm nhưng nhận lì xì tờ một hay hai ngàn đồng thì cũng không... vui lắm. Bởi vì gửi chiếc xe máy quèn Honda 80 ngoài bãi đã phải trả từ ba đến bốn ngàn thì tờ một, hai ngàn đồng chẳng biết giữ làm chi. Mười hay hai chục ngàn còn có thể uống ly nước mía hay thêm vào đổ xăng...

Những năm trước, không cần có sổ gửi tiền tiết kiệm, mọi người ra ngân hàng có khi cũng đổi được tiền mới. Năm nay mặc dù ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố dự định tung một ngàn tỷ tiền mới ra quầy phát tiền của ngân hàng. Nhưng thực tế ra đó chỉ nhận được những câu trả lời lạnh lùng: “Không có,” “Không biết chừng nào có”...


Những người khá giả ở Sài Gòn lì xì với đồng 2 đô Mỹ để hy vọng tăng thêm may mắn. Vì vậy, người ta đã phải đổi chợ đen với giá đắt hơn giá trị thật của nó rất nhiều. (Hình: Sài Gòn Cô Nương)


Thật khó để các ngân hàng cung cấp tiền mới vì đa số đổi vài ba triệu nhưng có người đổi một lúc hằng năm, mười triệu. Nếu may mắn quen biết, có thể xin đổi một ít từ người có nhiều. Bao nhiêu cũng lấy, chịu khó hỏi khắp nơi, đổi mỗi nơi một chút cuối cùng thế nào cũng đủ.

Miền Bắc có dịch vụ đổi tiền ở thị trường tự do. Tiền lẻ rất hiếm. Tùy theo nhu cầu mà tỷ lệ đổi 80 ăn 100 thậm chí 60 ăn 100... nghĩa là cứ đổi một trăm ngàn thì lấy sáu mươi ngàn. Thường là tiền lẻ hai trăm đồng, năm trăm đồng... Năm nay tỷ lệ đổi ở các khu vực đền miếu ở Hà Nội đắt gấp hai đến ba lần năm ngoái. Miền Nam vẫn chưa thấy có dịch vụ này vì người Nam khi vào đình miếu, bỏ tiền cũ nhưng mệnh giá cao vào thùng phước sương cũng được, chứ không đưa ra những tờ tiền mới toanh nhưng mệnh giá nhỏ tới mức vương vãi khắp nơi mà không ai buồn nhặt.

Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên người ta ít đổi loại tiền hai chục hay năm chục ngàn mà chỉ muốn đổi mười ngàn hay giấy năm ngàn. Riêng giấy năm ngàn giờ rất hiếm nên lì xì mười ngàn là giá chót.

Còn không thì đành lì xì bằng tiền cũ nhưng rõ ràng đưa tờ tiền cũ kém vui, “ngày thường” quá, chẳng có chút gì Tết nhất cả. Từ năm trước, Hongkong đã phải phát động phong trào lì xì tiền cũ vì mỗi năm có đến hơn năm nghìn cây bị đốn để sản xuất ra tiền mới nhằm cung ứng cho tập tục lì xì ngày Tết.

Ðổi tiền mới là một trong công cuộc phải làm vào những ngày trước Tết, cũng quan trọng gần bằng việc mua gói bánh chưng, bánh tét, cọ rửa nhà cửa, chùi lư hương, giặt rèm cửa... Việc này cũng khá vất vả vì tìm được nơi đổi tiền nhưng lại không có đủ loại! Tiền nhỏ quá hầu như không còn giá trị trong việc mua sắm mà chỉ dùng phân phát cho số đông hành khất.

Bởi lì xì ít hay nhiều còn phụ thuộc vào tuổi tác, giai cấp, vai vế, thân sơ, hoàn cảnh... chứ đâu phải ai cũng ngang nhau. Vì thế tiền mới cần phải có đủ mọi mệnh giá từ cao đến thấp để tùy người mà rút ra cho phù hợp!

Ðây là một phong tục trong dịp Tết Nguyên Ðán. Hình ảnh đẹp nhất là cảnh ông bà ngồi giữa nhà lì xì cho đám con cháu xúm xít chung quanh cùng câu chúc học giỏi, ngoan ngoãn, may mắn... rồi con cháu người nào đi làm có tiền lì xì lại chúc thọ cho ông bà, cha mẹ, em út... Cứ lì xì qua lại lung tung thật là vui. Cuối cùng tính lại thì cũng huề!

Ai hầu bao không rủng rỉnh thì Tết nằm nhà, chớ lại những nhà đông con nít mà méo mặt. Hoặc khi dắt con theo đi chúc Tết, nhận được phong bao của chủ nhà, làm sao mau chóng ước lượng để trả lại tương đương không thì một bên lại áy náy nhiều hơn hay ít hơn... Cho nên biết điều với nhau thì Tết không nên dắt trẻ con tới nhà ai và ngược lại. Khi có khách đến chơi, nhiều chủ nhà dặn con cháu rút lui đằng sau, đừng có ùa ra chào hỏi, chúc Tết làm chi mà... tội nghiệp cho khách!

Bởi vậy có người cẩn thận bằng cách nhét các xấp phong bao phồng lên trong các túi. Túi quần bên phải đựng phong bao hai ngàn, bên trái năm ngàn, túi áo trái mười ngàn, túi phải hai chục. Riêng năm chục và tiền trăm thì nằm trong ví ở những ngăn khác nhau. Gặp người nào cứ phong bao thích hợp sẵn rút ra. Tưởng cẩn thận đến thế là chắc ăn nào ngờ do nhiều phong bao, nhiều loại tiền để nhiều nơi quá nên có lúc đãng trí đưa nhầm. Về đến nhà nhớ ra lại tiếc vì đáng lẽ người phải lì xì ít lại đưa nhiều, mắc cỡ vò đầu bứt tai vì người cần lì xì nhiều lại đưa ít! Năm sau “rút kinh nghiệm” bằng cách phân loại phong bao to, nhỏ, căn cứ hình vẽ bên ngoài in hình bánh chưng hay quả đào hoặc đánh dấu X hay O cho biết tờ tiền bên trong...

Việc trữ sẵn các loại tiền lì xì rất cần thiết nếu cần ra ngoài ghé nhà này nhà nọ chúc Tết hoặc gặp những trường hợp đột ngột. Một ông ngẫu nhiên buộc phải lì xì nhưng lục túi mãi lại không sẵn tiền nhỏ, thế là đành cười méo mó rút ra tờ năm trăm!

Lũ trẻ con lắm khi lếu láo vì có khi vừa nhận phong bao, chúng hí ra xem rồi xì sầm ngay ít nhiều hoặc thân thiết thì chẳng cần giữ kẽ mà mè nheo ngay khiến người lớn lắm khi bối rối

Dù sao thì nay, lì xì đã biến tướng là hình thức trao đổi có đi có lại... Nếu có mang ơn, mang nghĩa ai thì dịp Tết này là dịp trả ơn bằng tiền lì xì...

Tiền Tết của giáo viên từ nhiều nguồn: quỹ thành phố, quỹ quận, quỹ trường... chỉ có năm trăm ngàn nhưng phải lì xì từ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó... cho chí ông bảo vệ, cô bảo mẫu trông lớp bán trú... Bù lại, giáo viên nhận được phong bì từ phụ huynh học sinh. Cũng do lạm phát gia tăng nên phụ huynh lì xì tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Cái phong bao cứ thế bù qua sớt lại cho nên nhiều phụ huynh buộc con giao tiền được lì xì để bù cho khoản phải chi ra. Ðó là một khoản thu chi đáng kể nên nhiều bà nội trợ tổng kết tiền lì xì có khi chiếm một phần ba chi phí của Tết.

Cùng với vàng, đồng đô la lên giá đáng kể nên mấy năm nay có mốt lì xì bằng tiền đô. Ngày Tết ra ngân hàng cũng có thể đổi được ít tờ hai đô. Tính ra tiền Việt chỉ có mấy chục ngàn nhưng do lạ, nên khi đưa ra nhìn thì rất vui mắt.
Rắc rối một chút nhưng Tết nhất nhờ có lì xì mà vui hẳn.