16 December 2008

[suýt thành] Siêu dự án thép của Posco tại Việt Nam

cá nhân mình ủng hộ Posco làm, VN bỏ cái này tiếc quá. Chẳng thà làm thì làm cho đáng, mấy cái vớ vẫn tủn mủn thì lại cho đầu tư, chẳng tới đâu. Chờ xem vài năm nữa sẽ thấy rõ tầm nhìn người lãnh đạo




Posco đã có 3 dự án liên doanh sản xuất thép tại Việt Nam và nay đang xin phép thành lập "siêu dự án" thép mới có vốn đầu tư dự tính lên tới 5,378 tỷ USD.


Ông Cho Chung-Myong, Giám đốc Dự án Posco tại Việt Nam, trò chuyện về dự án thép lớn đang xin cấp phép của tập đoàn này.

Thưa ông, được biết Posco đã có những dự án đầu tư vào Việt Nam và đang hoạt động hiệu quả. Vậy mục tiêu dự án mới mà ông đang đảm nhận cương vị giám đốc cụ thể là gì?

Đúng như các bạn đã biết, Posco đã có 3 dự án liên doanh sản xuất thép tại Việt Nam. Đó là Posvina hoạt động từ tháng 4/1992 với công suất 40.000 tấn thép xây dựng/năm; VPS hoạt động từ tháng 1/1994 công suất mỗi năm 200.000 tấn thép dây, thép thanh; và Vinapipe hoạt động từ tháng 5/1993 công suất mỗi năm 30.000 tấn thép ống. Những liên doanh này đều hoạt động tốt, có hiệu quả.

Còn dự án lớn mà Posco đang tích cực triển khai là dự án xây dựng tại khu vực Vân Phong (Khánh Hòa) một nhà máy thép liên hợp mang tầm cỡ thế giới, đóng vai trò xương sống cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển. Hy vọng dự án mới này của chúng tôi sớm được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép đầu tư.




Ông có thể giới thiệu những nét chính của dự án này?


Đây là nhà máy thép liên hợp đầu tiên tại Việt Nam. Tại châu Á cho đến nay mới chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ là có nhà máy thép liên hợp. Đồng thời với Việt Nam, chúng tôi cũng đang tiến hành một dự án tương tự tại Ấn Độ.

Nhà máy thép liên hợp tại Vân Phong có công suất giai đoạn 1 (từ 2012) là 4 triệu tấn sản phẩm thép cán nóng/năm, và sau 2016 sẽ mở rộng lên mức 8 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 5,378 tỷ USD (trong đó riêng cho nhà máy thép là 4,38 tỷ USD).




Nhà máy sẽ áp dụng duy nhất công nghệ Finex (tiên tiến nhất của Posco), một công nghệ thực sự thân thiện với môi trường. Theo tính toán của Posco, trong thời gian 5 năm xây dựng sẽ tạo việc làm cho khoảng 1,3 triệu công lao động; và trong thời gian vận hành (trung bình tới năm 2016), mỗi năm tạo giá trị sản xuất 5,2 tỷ USD, giá trị thặng dư 0,9 tỷ USD và tạo việc làm cho 146.000 lao động.


Đặc biệt, nhà máy thép Posco tại Vân Phong sẽ có sức cạnh tranh lớn trong khu vực, vượt qua các đối thủ tại Trung Quốc do có cảng biển nước sâu, và thị trường nội địa đang phát triển.

Thưa ông, vấn đề được nhiều người quan tâm là vị trí địa điểm được chọn để thực hiện dự án. Tại sao phải là Vân Phong mà không là một địa điểm nào khác? Xây dựng dự án nhà máy thép liên hợp ở đây liệu có đảm bảo vấn đề môi trường?

Để tiến hành dự án, trong suốt một thời gian dài, Posco đã khảo sát nhiều khu vực để tìm kiếm một địa điểm thích hợp nhất, như: Hải Hà, Vũng Áng, Vân Phong và cả Long Sơn (Vũng Tàu). Cuối cùng Posco chọn khu vực bán đảo Hòn Gốm trong vùng vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Tại đây có điều kiện để xây dựng cảng phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và sản phẩm đến và đi của nhà máy thép bằng tầu biển tải trọng lớn.

Mỗi năm để đáp ứng yêu cầu sản xuất phải sử dụng khoảng 14 triệu tấn nguyên liệu thô, chủ yếu là quặng sắt (trên 6,3 triệu tấn) và than (5,5 triệu tấn), còn lại là các loại nguyên liệu phụ.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp nào cũng có những vấn nạn về môi trường, đặc biệt là công nghiệp thép. Vấn đề là chúng ta có những giải pháp kỹ thuật nào để hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm. Điều này chúng tôi có thể cam kết là bằng kinh nghiệm và những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất.


Chúng ta có thể đảm bảo môi trường Vân Phong sạch và xanh không thua kém gì các vùng Pohang và GwangYang, nơi Posco đang đặt các nhà máy liên hợp thép quy mô lớn 8,5 triệu tấn và 21 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó còn có các công viên du lịch biển cấp quốc gia, các khu dân cư, Viện Đại học Khoa học - Công nghệ Potech và nhiều cơ sở nghiên cứu khác...