24 August 2009

Bình Dương - Trường Hoa Văn Bồi Anh xin giải thể




Căn cứ văn bản số 79/HD-SGD-ĐT của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương về việc Hướng dẫn điều kiện, thủ tục thành lập Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, bồi dưỡng văn hóa, luyện thi đại học; theo yêu cầu và hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, nhà trường phải làm lại hồ sơ thành lập Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT.

Nhà trường tự nhận thấy không hội đủ các điều kiện để thành lập trung tâm theo quy chế mới nói trên nên chúng tôi rất lấy làm tiếc để thông báo đến các học viên: Kể từ năm học này trường Hoa văn Bồi Anh chúng tôi xin giải thể...

Anh L.T.Đ. ở tổ 57, khu 9, phường Phú Cường, TX.TDM tiếc nuối: Năm nay, anh dự định cho con vào lớp 1 trường tiểu học (TH) Lê Văn Tám để vừa học tiếng Việt vừa học tiếng Hoa. Nhưng khi đọc xong thông báo của nhà trường anh hoàn toàn thất vọng. Theo anh Đ.: nếu đăng ký học được tiếng Hoa ở trường, con anh sẽ có thời gian học là 5 năm ở cấp tiểu học và được học miễn phí hoàn toàn, hơn nữa Ban bảo trợ của Bốn bang người Hoa TX.TDM còn hỗ trợ cho học sinh quần áo, sách vở tài liệu học tập mỗi năm...

Chị M.L.N. ở tổ 19, khu 4, phường Phú Cường nói: Hiện con chị đang học lớp 2 của trường TH Lê Văn Tám và đã có thời gian học tiếng Hoa 2 năm, nay trường giải thể nên chị phải đưa con đi tìm trường khác để tiếp tục học và phải tốn thêm một khoản phí để đóng tiền học, tiền sách vở.

Phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi với ông Lưu Cam, Trưởng bang Quảng Đông, Bốn bang người Hoa, TX.TDM và được ông cho biết: Trường Việt Trí trước đây nay là trường TH Lê Văn Tám đã đào tạo tiếng Hoa được 21 năm cho các lớp ban đêm vào các buổi tối trong tuần. Cách đây 4 năm, Ban bảo trợ đã tổ chức đào tạo theo hình thức song ngữ cho học sinh tiểu học. Các em ngoài giờ học tiếng Việt buổi sáng, buổi chiều sẽ học tiếng Hoa và được phụ đạo thêm 1 buổi tiếng Việt. Các em được đào tạo dựa vào giáo trình của Bộ GĐ-ĐT, khi đạt được trình độ nhất định, nếu số học viên đông, nhà trường sẽ mời trường Đại học Sư phạm TP.HCM lên để tổ chức thi tại trường; nếu số lượng học viên ít, nhà trường sẽ cho xe đưa xuống TP.HCM để dự thi. Trong quá trình học, các học sinh tiểu học được miễn hoàn toàn học phí và được hỗ trợ về quần áo, tập sách, dụng cụ học tập... các học sinh khá giỏi sẽ được khen thưởng. Đối với học sinh lớp ban đêm (chủ yếu là CB-CNV), trước đây nhà trường không lấy học phí, tuy nhiên do số lượng học viên đi học và nghỉ học tùy tiện, nhà trường khó tổ chức và quản lý lớp, nên nhà trường buộc phải thu học phí (thu tượng trưng). Tuy nhiên, đối với các học viên chuyên cần đi học đầy đủ, có thành tích học tập tốt... sẽ được miễn giảm học phí và được khen thưởng. Ban bảo trợ chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí tu sửa cơ sở vật chất cho trường hàng năm. Ngoài việc chi trả lương cho giáo viên tiếng Hoa, Ban bảo trợ còn hỗ trợ cho giáo viên tiếng Việt mỗi tháng vài trăm ngàn đồng, giáo viên phụ đạo tiếng Việt trên dưới 1 triệu đồng và các chế độ khen thưởng khác; tính bình quân các khoản trên, mỗi năm Ban bảo trợ đã chi ra trên dưới 1 tỷ đồng cho công tác đào tạo!

Về nguyên nhân mà trường Hoa văn Bồi Anh phải xin giải thể là do các giáo viên của trường không đạt chuẩn theo quy định. Qua kiểm tra chỉ có 4/18 giáo viên đạt chuẩn. Như vậy, nếu chỉ mở 4 lớp thì không hiệu quả! Bởi, trước khi trường giải thể đã có 15 lớp đêm và 5-6 lớp ban ngày. Mặt khác, trường TH Lê Văn Tám chỉ cho mượn cơ sở vật chất vào ban đêm. Khi được hỏi về định hướng sắp tới, ông Lưu Cam cho biết: Hiện Bốn bang người Hoa cũng đã tích lũy được một khoản tiền nhưng chưa đủ để mua đất, xây trường, tuyển dụng giáo viên...; sắp tới, Bốn bang người Hoa sẽ vận động trong cộng đồng, những nhà hảo tâm... để có thể mở trường tiếp tục đào tạo tiếng Hoa theo yêu cầu của PHHS.

PHƯƠNG HÙNG


link : http://www.baobinhduong.org.vn/detailen.aspx?Item=18751

=============================================================


Trường Bồi Anh (Bồi dưỡng Anh Tài) : Những năm tháng huy hoàng

Trường Hoa văn Bồi Anh (tiểu học Lê Văn Tám) có từ trước năm 1975 hoạt động với mục đích ban đầu là dạy tiếng dân tộc mình cho con em người Hoa.

Tuy nhiên, “tiếng lành đồn xa” và với nhu cầu học tiếng Hoa ngày càng cao nên hiện nay, trường là nơi hội tụ, bồi dưỡng anh tài (như ý nghĩa của tên trường - Bồi Anh) không chỉ của người Hoa mà của rất nhiều người Việt theo học.

Trao đổi với chúng tôi, giáo viên của trường cho biết, họ rất được quan tâm về đời sống khi công tác ở trường. Còn các học viên, nhất là những nhân viên văn phòng, công nhân đang làm việc tại các công ty Đài Loan, Hồng Kông... cho rằng nhờ vốn tiếng Hoa học ở trường mà họ thuận lợi hơn rất nhiều trong công việc. Có nhiều người vì yêu thích tiếng Hoa nên họ đã đầu tư thời gian để học với hy vọng sẽ có công việc mới với thu nhập cao hơn như làm trợ lý sản xuất, phiên dịch.

Theo thầy Trương Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Hoa văn Bồi Anh thì giáo trình của trường cũng đã có nhiều thay đổi cho phù hợp hơn. Ban đầu, đối tượng theo học chỉ là các em học sinh tiểu học nên giáo trình do Hội Bảo trợ Hoa văn ở TP.HCM cung cấp. Sau này, trường mở các khóa giảng dạy lấy bằng A, B, C nên giáo trình giống như của các trường đại học. Chương trình A học 2 năm với 4 cấp A1, A2, A3, A4. Chương trình B và C học tiếp trong một năm nữa. Về học phí, ban đầu khi ít học viên, trường được “bao cấp” hoàn toàn từ khoản tiền đấu giá lồng đèn ở chùa Bà dịp rằm tháng giêng hàng năm nhưng sau này, số lượng học viên tăng nên trường thu học phí . Sau khi học, trường sẽ phối hợp tổ chức thi với các trường hệ Đại học Quốc gia ở TP.HCM, lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.

Ngoài việc học theo giáo trình, học viên còn được tham dự các lớp ngoại khóa như học thư pháp, thi hát tiếng Hoa, đọc diễn văn bằng tiếng Hoa... tạo nên không khí học tập vui tươi, hào hứng cho học viên. Hiện trường có 15 lớp vào các buổi thứ 2-4-6 và 15 lớp thứ 3-5-7 với hơn 30 học viên/lớp.

HOÀNG MAI