1 September 2010

loay hoay tìm giải pháp Để hai ngành Thép và Điện đồng hành

(Chinhphu.vn) - Sản xuất thép tiêu thụ rất nhiều điện nhưng hiện có nhiều dự án thép ngoài quy hoạch đã khiến ngành Điện phải "gồng mình" chịu trận. Làm thế nào để hài hòa sự phát triển của ngành Điện và ngành Thép đang đặt ra nhiều vấn đề cần điều tiết.


Không cấp phép cho các dự án thép ngoài quy hoạch


Cả nước hiện có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án do Tổng công ty Thép quản lý). Đáng lưu ý là trong số các dự án này chỉ có 17 dự án trong quy hoạch và 16 dự án được bổ sung vào quy hoạch. 32 dự án còn lại do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định.


Để cấp điện cho các dự án gang thép, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hàng năm Tập đoàn phải dành tới 3,5 tỷ kWh và dự tính phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho hệ thống dây dẫn, máy biến áp, nguồn điện... Trong khi đó, các dự án thép mới vận hành khoảng 50% công suất. Với khả năng cung ứng của hệ thống điện hiện nay, EVN cho rằng việc cung cấp điện cho ngành Thép gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân.


Điển hình như một dự án thép phá vỡ quy hoạch điện-thép là Nhà máy thép Sheng Li (Thái Bình) với 2 lò điện công suất 50 tấn/mẻ, tiêu thụ điện năng tương đương 1 nhà máy điện công suất 300MW.


Trong một công văn của EVN gửi Thủ tướng Chính phủ có giải trình việc các nhà máy thép hiện nay đang được mua điện với giá khoảng 909,28 đồng/kWh (tương đương 4,78 cent/kWh), trong khi đó giá bán điện cho công nghiệp (trong đó có thép) ở Thái Lan cao gần gấp đôi, lên tới 8,12 cent/kWh; ở Singapore 14,1 cent/kwh, Indonesia 6,7cent/kWh... EVN khẳng định, vì giá điện Việt Nam rẻ nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi đây là cơ hội đầu tư sản xuất để xuất khẩu thép sang nước khác. Đây cũng là bất cập lớn.


EVN kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định không áp dụng giá điện ưu đãi và tăng giá điện với các nhà máy thép ngoài quy hoạch cũng như những nhà máy cán thép sử dụng nguyên liệu là thép phế, bắt đầu từ năm 2011.


Nếu kiến nghị này được chấp thuận, thị trường và ngành công nghiệp sản xuất thép sẽ bị xáo trộn. Bởi giá điện cho sản xuất tăng khiến giá thành sản phẩm cũng tăng theo, người tiêu dùng và ngành công nghiệp xây dựng sẽ là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Và rồi doanh nghiệp thép thay vì sản xuất sẽ nhập khẩu thép giá rẻ về tiêu thụ trong nước...


Thực tế hiện nay, ngoài Gang thép Thái Nguyên tự chủ được gang, than cốc, than mỡ để sản xuất thép từ gang, còn các doanh nghiệp khác đều sử dụng lò điện và thép phế để sản xuất thép.


Mới đây, Bộ Công Thương cho biết sẽ ngừng cấp phép cho các dự án thép ngoài quy hoạch, đặc biệt những dự án thép tiêu tốn điện năng, công nghệ lạc hậu.


Tìm giải pháp công nghệ và xây dựng định mức điện cho sản xuất thép


Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 29 lò luyện, cán thép đang được sử dụng tại 17 doanh nghiệp trong Hiệp hội thì chỉ Công ty Thép Nhật Bản (HPS) còn sử dụng 4 lò điện trung tần, là loại lò công suất thấp và công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện. 25 lò điện hồ quang còn lại được coi là tiêu tốn điện ở mức trung bình.VSA cho biết, hiện nay chủ yếu các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp như Thép miền Nam, Hòa Phát, Việt Ý đều ứng dụng công nghệ hiện đại của Italia với mức tiêu tốn nhiên liệu, suất đầu tư, năng suất và chất lượng phù hợp với năng lực, môi trường sản xuất của Việt Nam.

Để tiết kiệm năng lượng trong quá trình luyện cán thép, theo các chuyên gia ngành Thép, giải pháp tối ưu là sử dụng công nghệ hiện đại lò điện hồ quang kết hợp phun than, phun oxy hoặc nung nóng trước khi luyện. Ngoài ra, nếu các lò điện được chạy liên tục, không bị gián đoạn cũng sẽ tiêu tốn ít nhiên liệu hơn vì mỗi lần mất điện lại phải khởi động lại lò, không chỉ gây thiệt hại cho ngành Thép mà còn tăng phần tiêu hao điện năng.


Theo ý kiến một chuyên gia ngành Thép, để hạn chế tiêu tốn điện năng cho sản xuất thép, ngoài việc hạn chế phát sinh các dự án thép ngoài quy hoạch, dừng sản xuất các nhà máy sử dụng công nghệ cũ lạc hậu thì ngành Điện nên xây dựng định mức tiêu thụ điện năng trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật.


Theo đó, cần chỉ rõ thế nào là sử dụng điện cao, thấp, nhiều, ít. Trên cơ sở định mức ấy sẽ có điều chỉnh về giá điện thích hợp đối với từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng điện vượt định mức sẽ phải trả tiền cao hơn. Nhưng ngược lại, ngành Điện cũng phải cấp điện ổn định, không cắt điện triền miên, bất chợt gây thiệt hại cho sản xuất thép.


Có như vậy mới đảm bảo cho sự phát triển ngành Thép hài hòa với sự phát triển của ngành Điện cũng như các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân.


Nguyệt Hà