19 June 2011

[steel] - Tôn Hoa Sen nổi sóng gió : Tổng giám đốc Phạm Văn Trung từ chức sau 18 ngày tại vị



Vượt qua nhiều ứng viên sáng giá, ông Phạm Văn Trung được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) chọn giữ cương vị Tổng giám đốc. Tuy nhiên, mới đảm đương 18 ngày, ông đã xin từ chức.

Ngày 18/3, Hội đồng quản trị Hoa Sen Group đã ra nghị quyết bổ nhiệm ông Phạm Văn Trung làm tân Tổng giám đốc HSG kể từ ngày 1/4. Ông Lê Phước Vũ sẽ thôi kiêm nhiệm và giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, tập trung hoạch định chiến lược công ty.

Doanh nghiệp cũng có thư gửi tới cổ đông trình bày lý do dẫn tới quyết định này và dành không ít lời có cánh cho ông Trung, khẳng định tân Tổng giám đốc có những tố chất quan trọng (trung thực, được đào tạo bài bản, tạo sự đồng thuận cao, uy tín, tài năng, sức trẻ...) mà Hoa Sen cần ở những người lãnh đạo kế tiếp của tập đoàn. HSG cũng cho rằng đây là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí CEO tập đoàn, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm.

Tuy nhiên, ngày 18/4, ông Trung đã có đơn từ chức và xin thôi việc với lý do cá nhân. Ý nguyện này của ông Trung đã được Hội đồng quản trị duyệt.

ông Trần Ngọc Chu – Phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc được bổ nhiệm làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, thôi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc.


Theo nghị quyết đại hội thường niên năm 2011 “ tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật”. Theo đó, ông Chu sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 27/4.

Trước đó, ngày 1/4, ông Trung được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, ông Chu làm phó tổng giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Sen.

Ông Phạm Văn Trung là một trong những người gắn bó với Tập đoàn Hoa Sen ngay từ những ngày đầu thành lập. Khởi đầu là trợ lý Tổng giám đốc, sau đó ông đảm nhiệm nhiều vị trí khác. Năm 2008, ông được bầu vào Hội đồng quản trị và một năm sau giữ chức vụ Phó tổng giám đốc trực điều hành. Trong khoảng thời gian này, ông được Hội đồng quản trị đánh giá cao và vượt qua nhiều ứng cử viên khác để chính thức trở thành CEO của HSG kể từ ngày 1/4.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Trung từ chối bình luận về quyết định từ chức, nghỉ việc. Cựu tổng giám đốc HSG cho biết: "Hiện tại tôi chỉ muốn đi du lịch để nghỉ ngơi vì đã dành hết thời gian cho công việc trong 10 năm qua".




Ông Vũ Văn Thanh, phụ trách công bố thông tin của tập đoàn cho rằng: "Đây là quyết định của cá nhân ông Trung, Hội đồng quản trị sau khi xét duyệt đã chấp thuận và bổ nhiệm người mới". Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc sẽ đảm nhận vị trí Tổng giám đốc thay thế, đồng thời là người đại diện theo pháp luật kể từ ngày 27/4.

Kể từ đầu năm tới nay, có trên 100 doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn công bố thông tin thay đổi nhân sự chủ chốt và được giải thích là để đáp ứng các mục tiêu dài hơi hơn. Danh sách công ty biến động các vị trí quan trọng không ngừng tăng lên khi số doanh nghiệp công bố thông tin thay đổi cán bộ chủ chốt liên tục xuất hiện trên website 2 Sở. Đây cũng là năm mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được nhìn nhận không hề dễ dàng chút nào, với vô vàn thách thức phía trước.

Bạch Hường





===================================================
Đại hội cổ đông tập đoàn Hoa Sen Cổ đông nhỏ bị tước quyền chất vấn (18-06-2011)

===================================================



Các nội dung đề xuất của hội đồng quản trị (HĐQT) cuối cùng đều được đại hội bỏ phiếu thông qua nhưng ở phần chất vấn, điểm nóng tập trung vào câu chuyện quản trị của công ty. Và các cổ đông nhỏ ra về trong ấm ức.

 Ngày 16.6, công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 1 để lấy ý kiến cổ đông trong việc thông qua đề xuất thực hiện chuyển nhượng các dự án bất động sản (dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM; dự án căn hộ Hoa Sen Riverview – Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM và quyền sử dụng đất tại 123 Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP.HCM); chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept (trong đó Hoa Sen Group góp 45% vốn). Bên cạnh đó là nội dung sửa đổi điều lệ công ty: chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật thay cho trước đây là tổng giám đốc. HĐQT cũng đề xuất giảm số lượng thành viên HĐQT từ bảy xuống năm thành viên, theo cơ cấu HĐQT hoạt động chuyên trách và độc lập.

Mất “người tài” trong vòng 18 ngày

Câu chuyện từ chức của ông Phạm Văn Trung chỉ sau 18 ngày tại vị làm nhiều cổ đông thắc mắc. Dù rằng doanh nghiệp này đã có thư gửi tới cổ đông trình bày lý do dẫn tới quyết định này và dành không ít lời có cánh cho ông Trung, khẳng định tân tổng giám đốc có những tố chất quan trọng (trung thực, được đào tạo bài bản, tạo sự đồng thuận cao, uy tín, tài năng, sức trẻ...) mà Hoa Sen đang cần ở những người lãnh đạo kế tiếp của tập đoàn, rằng đây là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí CEO tập đoàn đồng thời cũng cho biết ông Trung đã có đơn từ chức và xin thôi việc với lý do cá nhân, nhưng không ít cổ đông vẫn không bằng lòng. Đã có cổ đông yêu cầu HĐQT công ty nên để ông Trung trả lời lý do với các cổ đông để họ yên tâm.

Từ bỏ “lĩnh vực mũi nhọn”

Trong khi đó, giải trình về chuyện bán các dự án bất động sản và phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế, bác bỏ thông tin rằng công ty bán dự án vì thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Phước Vũ – chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen cho rằng thị trường bất động sản đang không được như kỳ vọng, do đó công ty buộc phải hạn chế đầu tư vào các ngành không thuộc sở trường, tập trung vào mảng sản xuất kinh doanh chính. Tuy nhiên, còn nhớ cách đây chưa tới hai năm, trong buổi lễ động thổ dự án Phố Đông Hoa Sen, cũng chính vị chủ tịch này phát biểu rằng trong kế hoạch trung và dài hạn của Hoa Sen Group, bất động sản được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, tập trung phát triển.

Ông Lê Phước Vũ cho biết hiện nay tập đoàn đang cần vốn đối ứng cho phần vốn vay dự án nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Trong năm 2010, tập đoàn Hoa Sen đã lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho dự án này nhưng không thành công. Cũng theo ông Vũ thì hiện tại đã có một số đối tác tìm hiểu về các dự án trên để nhận chuyển nhượng. Và công ty chắc chắn có lợi nhuận từ thương vụ này do giá vốn trước đây thấp hơn hiện tại. Dự kiến việc chuyển nhượng này sẽ đem về cho tập đoàn hơn 300 tỉ đồng.

Sợ “câu hỏi phá rối”

Bên cạnh câu chuyện quản trị công ty, các cổ đông tham dự cũng đã có ý kiến khá gắt về cách điều hành đại hội, đặc biệt là quyền được chất vấn HĐQT. Lấy lý do là do số lượng cổ đông nhiều, không có nhiều thời gian, các cổ đông được yêu cầu góp ý bằng phiếu và HĐQT chỉ ưu tiên trả lời những câu hỏi của các cổ đông lớn. Theo lý giải của ông chủ tịch HĐQT, ông chỉ muốn nhận những câu hỏi có tính xây dựng vì có rất nhiều đối thủ của công ty mua chỉ khoảng vài ngàn cổ phiếu và luôn có những câu hỏi phá rối. Nếu trả lời hết những câu hỏi này thì không có thời gian và không đáng phải trả lời vì không có tính xây dựng. Điều này đã bị phản ứng gay gắt của các cổ đông nhỏ. Những cổ đông cho biết dù đầu tư nhiều hay ít thì cũng là tiền mà họ bỏ ra do đó họ phải được quyền chất vấn.

Bảo Anh

Theo SGTT



============================
Sứ mệnh của tân Tổng giám đốc Tôn Hoa Sen

============================




Mở rộng kênh phân phối trực tiếp, đẩy mạnh xuất khẩu, liệu tân CEO sẽ tạo ra những thay đổi ngoạn mục về doanh thu và lợi nhuận cho Tập đoàn Hoa Sen?

Từ 1.4.2011, ông Phạm Văn Trung sẽ thay ông Lê Phước Vũ giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Hoa Sen. Trong thư gửi đến các cổ đông và nhà đầu tư, ông Lê Phước Vũ bày tỏ: “Dưới sự điều hành của ông Trung thì sản lượng, lợi nhuận và doanh thu của Tập đoàn đều tăng. Bên cạnh đó, với tư duy toàn cầu hóa cao, ông không chỉ tạo niềm tin với đối tác quốc tế mà còn xây dựng hình ảnh Tập đoàn đầy tiềm năng”.

Theo Báo cáo niên độ tài chính (1.10.2009-31.9.2010), doanh thu thuần là 4.899 tỉ đồng, đạt 98% so với kế hoạch đề ra. Song lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn chỉ đạt 215 tỉ đồng (41%) so với kế hoạch đặt ra là 520 tỉ đồng. Lý giải điều này, tân CEO của Tập đoàn, cho rằng, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh do việc điều chỉnh 2 lần tỉ giá và lãi suất cho vay của ngân hàng từ tháng 11.2009 đến tháng 8.2010. Lãi suất kích cầu của ngân hàng cũng tăng từ 6,5% lên 13-14% vào đầu năm 2010. Trong khi nguyên liệu chủ yếu nhập từ nước ngoài. Vì thế, xuất khẩu nhằm tăng thu nguồn thu ngoại tệ là một trong những chiến lược của Tập đoàn trong năm nay.

Tư duy toàn cầu hóa

Tất nhiên, vị trí CEO mới của Tôn Hoa Sen không phải đến khi đưa ra chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu thì Hội đồng quản trị mới có quyết định này. Theo ông Trung, điều này đã được Hội đồng quản trị và nhà sáng lập Tập đoàn, ông Lê Phước Vũ định hướng từ 5 năm trước.
Từ 3 năm nay, nội bộ Tôn Hoa Sen đã phát động thi đua để tìm CEO mới. Song song đó, ông Vũ cũng nhiều lần đánh tiếng tại các hội nghị đầu tư rằng, ông đang tìm tướng giỏi cho Tập đoàn Hoa Sen.
Từ đâu mà ông Vũ có nhận định về người kế nhiệm của mình như trong thư gửi cổ đông nói trên? Năm 2007, ông Trung đảm nhận chức Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh. Năm 2008, theo Bản tin của Hiệp hội Thép, Tôn Hoa Sen chiếm 21,3% thị trường cả nước. Năm 2009, 28,6% và năm 2010 là 33,7%. Đây là mức tăng trưởng ổn định. Với thuyền trưởng mới Phạm Văn Trung, tỉ lệ này sẽ được thay đổi như thế nào? Ông Trung cho hay, sẽ khó nói một cách chắc chắn khi các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ diễn biến bất thường của kinh tế vĩ mô. Mục tiêu của tôi là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tôn; Gia tăng tỉ lệ thị phần của thép và nhựa; Tái cấu trúc hệ thống tài chính, đầu tư, nhân lực và sản xuất.
Cũng theo ông Trung, có một thông tin tạm gọi là lạc quan trong 5 tháng đầu niên độ (niên độ mới bắt đầu từ tháng 10.2010) là Hoa Sen lãi trên 50 tỉ đồng. Vừa nói ông Trung cho tôi xem bản báo cáo kinh doanh của Tập đoàn vừa được chuyển về qua màn hình máy tính. “Hôm qua, tổng lợi nhuận từ các chi nhánh và các đơn vị kinh doanh báo cáo về là 4 tỉ 655 triệu đồng. Với mức tăng trưởng này và kinh tế vĩ mô không quá phức tạp, kết quả kinh doanh của Tập đoàn năm nay sẽ lạc quan”, ông Trung nói.

Chữ nhẫn trấn áp lực

Kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính (2010-2011) của Tập đoàn với mục tiêu doanh thu 6.000 tỉ đồng và đưa ra 3 phương án trong lợi nhuận sau thuế tính theo đơn vị tỉ đồng là 149.9, 196.6 và 249.4. Trong khi, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn ở niên độ tài chính lần trước là 215 tỉ đồng. Giải thích 3 phương án này, ông Trung nói: “Tập đoàn đã xác định tập trung vào những ngành có thế mạnh là tôn, thép và nhựa. Vì thế, những dự án về cảng, logistic, bất động sản... sẽ được dừng lại dù sắp có lãi. Điều này phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận trước mắt, nhưng lại là bước đi hợp lý để hướng tới sự đột phá trong tương lai”.
Ba phương án này, theo ông Trung là thể hiện tính ứng phó với từng thời điểm của thị trường. Hơn nữa, ông lại được hậu thuẫn từ Hội đồng quản trị và nhà sáng lập Tập đoàn. Có thể nói, ông Trung có nhiều lợi thế khi ngồi vào chiếc ghế mới. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ông Trung không có áp lực.
Thách thức lớn nhất của ông Trung là quản lý một Tập đoàn từ sản xuất, thương mại, nhập khẩu, xuất khẩu. Do vậy, xây dựng một hệ thống quản lý không chỉ đề kháng tốt với những biến động mà còn hướng tới cột mốc xa hơn như ông Vũ từng chia sẻ về doanh thu 1 tỉ USD là kỳ vọng của 3.000 cán bộ nhân viên, 6.000 cổ đông đặt lên vai người thuyền trưởng của Tập đoàn tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua.
Góc bàn làm việc của vị tân CEO có phiến đá cuội màu đen tuyền khắc chữ Nhẫn, mặc dù ông tự nhận mình không phải là người nóng tính như vị CEO tiền nhiệm. Song trong tình hình biến động tỉ giá và thị trường xây dựng khá yên ắng từ đầu năm đến nay, là nhà sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, không chỉ cá nhân ông Trung, mà các nhà quản trị đều phải học chữ Nhẫn trong lúc này.
Thứ nữa, nhiệm vụ của ông Trung được Hội đồng quản trị đặt ra là từ 94 chi nhánh phân phối hiện tại, đến năm 2015, phát triển thành 150 chi nhánh trên toàn quốc. Tăng gấp rưỡi kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển cảng, kho vận trong vài năm tới. Điều đó có nghĩa là, trong 4 năm tới, ở vị trí thuyền trưởng Tập đoàn, ông Trung phải bảo đảm nguyên liệu đầu vào và sản phẩm của 150 chi nhánh này. Đây là thách thức không nhỏ. Năm nay, ông Trung 37 tuổi, độ tuổi có nhiều tham vọng và đủ bản lĩnh để đạt được. Chính vì điều đó, sau khi có quyết định thay đổi nhân sự cao cấp này, đã có nhiều dự báo mới được đặt ra với Tập đoàn. Hiện tại, CEO Phạm Văn Trung sở hữu 72.000 cổ phiếu của Tập đoàn.

Theo Hằng Nga
Nhịp cầu đầu tư