6 January 2010

PGS.TS Nguyễn Thị Hoè: Hạnh phúc vì có khát vọng!

nghe đồn cô Hòe bộ môn Hữu cơ năm nhất ôm con lên giảng đường nghe giảng, nếu đúng thực thì đáng nể thiệt

"Tôi thật sự vẫn day dứt vì nước mình vẫn còn nhiều người nghèo quá! Cứ đi quyên góp để ủng hộ người nghèo có lẽ không phải là cách tốt nhất" - PGS.TS Nguyễn Thị Hoè, một trong số hiếm hoi các nhà khoa học kinh doanh được bằng những kết quả nghiên cứu của mình, bày tỏ.


PGS.TS Nguyễn Thị Hoè từng ngủ ở gầm cầu thang hàng tháng và sân bay Mỹ cả tuần vì không có tiền thuê khách sạn, từng ở Mỹ hai tháng với 500 đôla trong túi nhưng chưa từng bị các nhà khoa học nước này coi thường.

Hiện bà đang có 11 công ty với một gia sản không nhỏ. Thật đáng ngạc nhiên, khi một phụ nữ có ba con nhỏ và cũng chỉ 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, lại làm được tất cả những điều ấy mà không thấy mình bận rộn, không thấy mình cô đơn và cần phải dựa vào ai đó.

- Bà vừa trao giải thưởng Kova cho các tập thể, cá nhân có ảnh hưởng tốt tới cộng đồng và học bổng cho hơn 30 sinh viên nghèo. Ðiều gì đã khiến bà dựng lên một giải thưởng theo cách riêng của mình như vậy?

Giải thưởng này đã được tôi trao bảy năm liên tiếp cho những tấm gương toả sáng với cộng đồng. Thường hiện nay các giải thưởng sau khi trao người ta chỉ rủ nhau đi liên hoan một bữa là hết, nên tự nhiên ý nghĩa của giải thưởng không nhiều. Nhưng giải thưởng tôi trao cho sinh viên thì ngấm sâu vào từng em. Các em được tài trợ sẽ dùng tiền đó để học tiếp, không bỏ dở. Khi tổ chức ra giải thưởng này, đầu tiên tôi chỉ nghĩ được đến thế.

Nhiều giải thưởng hiện nay người giàu được nhận, còn người nghèo thì ít cơ hội. Bởi vậy tôi chọn người học giỏi mà quá nghèo. Các em dùng đồng tiền đó để học tiếp và sau này cống hiến cho xã hội. Tất cả các sinh viên tôi trao học bổng trong bảy năm qua giờ đều thành đạt.

Bản thân tôi cũng xuất phát từ một sinh viên rất nghèo nhưng bây giờ tôi đã có tiền, số tiền đó sau này chết đi tôi cũng không mang theo được nên tôi dùng chia sẻ với mọi người, trong đó việc quan trọng nhất là giúp cho sinh viên nghèo. Giải thưởng này chú ý đến phụ nữ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có những em cha mẹ là tội phạm mà học giỏi thì vẫn được học bổng. Miễn là cá nhân họ tốt là được.

Sau khi trao học bổng cho sinh viên, tôi nhận thấy còn rất nhiều tấm gương sáng khác sống vì cộng đồng, như hai người nông dân vượt lũ dữ cứu được mấy chục người ở Quảng Bình, tập thể bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân AIDS... Tôi thấy cần phải khuyến khích những tấm gương như vậy. Sau đó tôi trao thêm giải cho những nhà khoa học, nhưng phải là các công trình nghiên cứu ứng dụng được trong cuộc sống, không phải lý thuyết một mớ.

Ví dụ như người sáng chế ra máy tuốt lúa và mấy trăm sáng kiến cải tiến nông cụ giúp nông dân ở Tiền Giang, một ông ở Quảng Bình lắp hệ thống vô tuyến báo bão cho ngư dân... Những người đó đã làm được những thứ vô cùng vĩ đại, cứu được bao nhiêu người. Ðó là những công trình khoa học giá trị thực sự vì có ích cho người dân.

- Giải thưởng này có tài trợ từ nước ngoài. Bà có gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục các đối tác nước ngoài chi tiền không?

Thực ra tôi không đi xin tiền cho giải thưởng. Những đối tác của tôi rất mê giải thưởng này nên họ tự nguyện. Họ hiểu tôi và hiểu giá trị những điều tôi đang làm. Thực tế có nhiều nơi muốn tham gia nhưng tôi không đồng ý. Tôi có lòng tự trọng của tôi. Tôi tổ chức ra giải thưởng thì tôi phải có đủ tiền để trao. Tôi trao giải một đồng thì phải chi ra ba đồng, từ tiền tàu xe ăn ở tới tiền đi thẩm định các cá nhân tại địa phương... Tôi làm không để quảng cáo.

Tôi mong muốn các em nhận giải thưởng có động lực để phấn đấu, những người khác sẽ theo gương đó. Năm ngoái tôi trao giải cho tập thể bệnh viện Ðống Ða, Hà Nội do rất xúc động trước hình ảnh những bác sĩ bị bệnh nhân AIDS đe doạ chọc kim tiêm vào người nhưng vẫn phục vụ bệnh nhân hết lòng.

Có những tấm gương sinh viên sáng đi học chiều nhặt rác để bán lấy tiền học, hay năm ngoái tôi trao giải cho một cậu sinh viên cả năm nằm dưới gầm giường bệnh chăm sóc người mẹ nuôi bị ung thư, trong khi ngoài xã hội đang có những đứa con ruột bỏ cha mẹ mình...

- Bà có nói là chỉ trao giải cho những phát minh sáng chế ứng dụng tốt trong thực tế. Vậy nói về khoa học một chút, hiện có nhiều công trình khoa học được đầu tư tốn kém nhưng không có giá trị ứng dụng. Theo bà cần phải làm gì để hạn chế sự lãng phí ấy?

Cách đây 17 năm tôi đã nói trước một hội nghị các nhà khoa học toàn quốc, rằng một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước có vai trò của các nhà khoa học chúng ta, nghĩa là có tôi trong đó. Bởi trong thực tế có đề tài Nhà nước cho một đống tiền, cử một đoàn đi vòng quanh thế giới năm nọ qua năm kia, tới khi về nước thì kết luận là đề tài không thể triển khai, trong khi tiền đã chi rồi.

Tại sao chúng ta không khảo sát trước? Rõ ràng điều đó làm nghèo đất nước khi nhiều người dân còn đói và nhiều nhà khoa học khác không có tiền để nghiên cứu. Tôi cho sẽ là sai lầm, nếu kết quả trong phòng thí nghiệm mới chỉ thành công 10%. Sự thành công phải là các sản phẩm được sản xuất đại trà.

- Bà thuộc nhóm hiếm hoi các nhà khoa học thành công cả trong kinh doanh. Ðâu là chìa khoá mang tới sự thành công ấy?

Có nhiều nhà khoa học nghiên cứu được nhưng không có tiền để ứng dụng. Vay Nhà nước thì phải trả. Bản thân tôi từng đi vay 200 triệu đồng để ứng dụng đề tài đánh bóng bằng bột mài crôm, nhưng một năm phải trả ngay. Mình phải tự xoay xở để có tiền nghiên cứu và ứng dụng. Tôi sang Mỹ từng phải nằm sàn nhà sân bay một tuần vì không có tiền ngủ khách sạn. Ðó là đầu những năm 90, tôi nghèo lắm.

Nhiều năm sau tôi có quen biết một số Việt kiều nên đến nhà họ ngủ nhờ. Tôi đi Mỹ, tự bỏ tiền mua vé máy bay, trong túi chỉ có 500 đô la để tiêu trong hai tháng. Tôi đã phải mang tới 20kg mì gói để ăn. Tôi ngủ ở gầm cầu thang, hết cầu thang nọ tới cầu thang kia trong hai tháng trời ròng rã và chỉ ăn mì. Có nhiều người mời ăn nhưng không phải ai mời tôi cũng ăn. Những ngày ấy tôi phải tiết kiệm như thế để nghiên cứu. Tôi nghĩ chính điều đó giúp tôi thành công như ngày nay.

- Ðiều gì đã khiến một phụ nữ bé nhỏ như bà có được ý chí mãnh liệt để đạt nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học?

Lúc đó tôi nghĩ rất đơn giản, chỉ muốn vươn lên và thành công trong khoa học. Khi ấy tôi đang là cán bộ giảng dạy đại học ở TP.HCM và Cần Thơ, tôi có hướng dẫn nhiều sinh viên các đề tài nghiên cứu nhưng những đề tài đó không được thành công lắm. Ðến khi sang Mỹ, nhìn phòng thí nghiệm của họ tôi thấy choáng ngợp. Họ phân tích một mẫu chì chỉ hết 59 giây, trong khi ở Việt Nam là 4 tiếng đồng hồ! Lúc đó tôi có khát vọng là làm được như người Mỹ, chứ không nghĩ là mình làm để giàu.

- Lý do nào bà đứng trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2005?

Ngày đó uỷ ban giải thưởng sang Mỹ, nghe tiếng tôi bên đó rất nhiều nên họ sang Việt Nam để điều tra, điều tra từ bộ Giáo dục và đào tạo đến TP.HCM... sau đó đưa tôi vào danh sách mấy chục ngàn người. Việt Nam lúc đó cũng có mấy người. Một năm sau, họ gửi cho tôi thông báo là tôi có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ trên thế giới được xem xét trao giải Nobel Hoà bình. Cuối cùng họ chọn ông chủ ngân hàng tại Bangladesh với mô hình tín dụng cho người nghèo. Tôi thấy ông ấy rất tuyệt vời và xứng đáng.

- Nếu so sánh cái thời đi Mỹ với 500 đôla trong túi với bây giờ, lúc nào bà thấy hạnh phúc hơn?

Tôi không nghĩ là tôi hạnh phúc hơn ngày xưa. Tôi vẫn thế, vẫn rất tiết kiệm dù có nhiều tiền để làm mọi thứ. Tôi đi nhiều nước nhưng vẫn không phung phí vì tôi luôn tự nghĩ có nhiều người đang rất nghèo. Tôi không có được cái cảm giác hạnh phúc hơn ngày xưa, cũng có thể do đã nhiều tuổi.

Ngày ấy tôi còn sung sức và tràn trề khát vọng. Ngày ấy tôi hạnh phúc vì tôi có khát vọng. Mỗi khi nghiên cứu thành công đề tài nào, tôi sung sướng tới mức không cần ăn. Bây giờ đôi khi còn cảm thấy mình không hạnh phúc bằng ngày ấy vì mọi thứ đã quá bão hoà. Chỉ khác biệt là bây giờ ốm đau bệnh tật tôi đã có tiền mua những loại thuốc tốt nhất, và giúp được cho nhiều người.

- Trong quá khứ, đã bao giờ bà thấy mình thực sự chông chênh hay có cảm giác sụp đổ về một điều gì đó?

Tôi chưa bao giờ có cảm giác ấy. Tôi lập gia đình sớm, có con sớm nên khi vào đại học năm 21 tuổi, tôi đã có ba con. Chồng tôi là người tốt, chăm chỉ làm ăn nhưng lại không muốn tôi làm khoa học. Anh ấy muốn tôi ở nhà, nuôi lợn, nuôi gà và trồng cây, nấu ăn... Chồng tôi đòi hỏi tôi phải là một người phụ nữ cổ điển phục dịch chồng con.

Khi chúng tôi chia tay nhau, tôi thấy rất bình thường, không hề đau khổ. Tôi cũng thấy mình thật lạ, chưa bao giờ cảm thấy trống trải cô đơn. Có người nói tôi phải được nhận... huân chương vì sự chịu đựng trong cuộc sống gia đình, nhưng tôi nghĩ họ nhầm vì tôi đã có niềm đam mê khác, đó là khoa học.

- Bây giờ mối quan hệ của bà với chồng cũ thế nào?

Chúng tôi vẫn rất tốt với nhau. Chồng cũ tôi sau này có một trang trại ở Long Thành, Ðồng Nai, tôi đã mua lại trang trại đó và biến nó thành vườn cây ăn trái sum suê. Tất cả khách dù là người quen hay lạ vào đó đều được ăn uống miễn phí.

- Làm cách nào để một người mẹ có ít thời gian như bà có thể dạy dỗ con mình chu đáo và thành đạt như ngày hôm nay?

Tôi cũng ba chìm bảy nổi với con. Tôi sinh con dày quá cũng vất vả, ba năm ba đứa. Ðứa bé cứ đòi làm chị đứa lớn hơn. Ngày ấy ngoài nuôi ba đứa con nhỏ, tôi còn nuôi thêm ba con lợn, trồng rau, nuôi gà... đủ cả. Tôi cũng không có nhiều thời gian cho con, chỉ quan tâm chủ yếu tới việc học hành. Sau này khi con lớn lên, tôi luyện thi đại học cho con. Nhưng dẫu sao bây giờ tôi vẫn phải nói: cám ơn cuộc đời vì tôi đã có những đứa con ngoan.

- Bà đã đạt được vị trí cao trong nghiên cứu khoa học và kinh doanh, vậy bà có thấy mình còn điều gì chưa làm được?

Suốt một chặng đường dài, tới thời điểm này tôi khá hài lòng về bản thân. Tôi đã từng trải qua cảm giác đói khát, chỉ thèm một miếng khoai khi ngồi trên giảng đường đại học, còn bây giờ tôi đã gây dựng được một sự nghiệp lớn, giải quyết việc làm cho mấy ngàn người, tôi có tiền để tài trợ cho những sinh viên nghèo...

Nhưng tôi thật sự vẫn day dứt vì nước mình vẫn còn nhiều người nghèo quá! Cứ đi quyên góp để ủng hộ người nghèo có lẽ không phải là cách tốt nhất. Một mình tôi không thể làm được gì. Tôi chỉ có thể giúp đỡ một số sinh viên nghèo, còn quá nhiều người tôi chưa thể giúp được họ.

Làm cách nào để giảm nghèo nhanh hơn, giải quyết tận gốc vấn đề nghèo đói. Quan trọng là cách làm, mình làm chưa tốt thì có thể đi học. Và cơ bản, người ta phải có khát vọng làm bằng được điều đó.


Tên tuổi của PGS-TS Nguyễn Thị Hoè gắn liền với thương hiệu sơn KOVA. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn sơn KOVA, có thể nói bà là một trong số ít nhà khoa học nữ Việt Nam đã rất thành công trên cả hai phương diện: Nghiên cứu và thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Sau khi nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1992 về đề tài sơn chống thấm, TS Nguyễn Thị Hoè đã một mình sang Mỹ học hỏi và tìm cơ hội hợp tác chỉ với 500 USD trong túi, 3 kg mỳ tôm và 40 kg gạch đá, xi măng (bà thực nghiệm sản phẩm sơn của mình trên vật liệu của Việt Nam để người Mỹ thấy). Sau khi tiếp xúc với các trường đại học và các hãng sơn lớn của Mỹ, học hỏi được phương pháp nghiên cứu hiện đại và tư duy nhanh nhạy, bà quyết định hợp tác với Hãng sơn Smile Land. Năm 1998, Công ty TNHH Sơn KOVA ra đời, với nhiệm vụ ứng dụng các công trình khoa học của TS Hoè và các nhà khoa học Mỹ vào sản xuất. Đến nay, Tập đoàn sơn KOVA đã có 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước (Campuchia, Lào, Singapore), với trên 2.000 lao động.

Dưới đây là một số trao đổi ngắn của PGS-TS Nguyễn Thị Hoè với Tạp chí Hoạt động Khoa học.

“Sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, có thể nói Sơn KOVA là một trong những doanh nghiệp KH&CN khá sớm của Việt Nam. Ra đời trong lúc chưa có những chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KH&CN, bà đã gặp những khó khăn nào?

Đúng là tại thời điểm đó, tôi đã gặp muôn vàn khó khăn về thủ tục cấp phép như giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng và nhiều rào cản trong chính sách thuế, vốn... Riêng về vốn tôi phải vay cá nhân bên ngoài với lãi suất 3-5%/tháng, thậm chí có lúc lên tới 7%. Tôi không thể vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, và cũng chẳng có nguồn tài chính nào dành cho các nhà khoa học thích làm doanh nghiệp ở thời kỳ đó. Đã có lúc tôi thấy nản chí.

Nhưng cuối cùng bà đã vượt qua và rất thành công. Vậy bí quyết ở đây là gì, thưa bà?

Đối với các nhà khoa học, nhiều khi nghiên cứu là một chuyện, ứng dụng lại là chuyện khác. Có người nghiên cứu xong là bằng lòng với kết quả và để đấy, có người Nhà nước cho tiền thì làm, không thì đành chịu... Nhưng với tôi, say mê với các nghiên cứu và mong muốn ứng dụng các kết quả đó đã trở thành bản năng. Lúc đó, tôi không nghĩ đến việc sẽ có một thương hiệu KOVA mạnh như bây giờ, mà chỉ say mê làm việc, cống hiến không chỉ trí tuệ mà tất cả những tài sản có giá trị nhất như nhà, xe máy... 5 năm đầu mở công ty, không có thu nhập, nhưng tôi đã vượt qua nhờ biết chịu cực khổ và kiên trì. Ngoài việc nghiên cứu chuyên ngành, tôi dành thời gian tìm hiểu về thị trường, chọn lựa phân khúc thị trường hợp lý, vì như vậy sẽ giúp việc thương mại hoá dễ dàng hơn. Tôi đã nghiệm ra rằng: Công nghệ tối ưu là bước đi ngắn nhất để hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Quá trình nghiên cứu, triển khai phải mang tính thực tiễn, không thể chỉ dựa vào lý thuyết vì có nhiều vấn đề không có trường học nào dạy, không có sách vở nào đề cập.

Hiện nay KOVA đầu tư cho nghiên cứu như thế nào, thưa bà?

Hàng năm, chúng tôi trích 20% lợi nhuận cho nghiên cứu, KOVA có 9 phòng thí nghiệm trong nước và 2 phòng thí nghiệm ở nước ngoài. Nhờ có những phòng thí nghiệm hiện đại này mà KOVA liên tục nâng cao được chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Chính vì vậy, ở một nước tiên tiến như Singapore, khách hàng rất thú vị với sản phẩm sơn KOVA Việt Nam và đã lựa chọn chúng. KOVA cũng rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đa phần cán bộ kỹ thuật có trình độ cao của KOVA đều được tôi hướng dẫn tốt nghiệp và đào tạo nên luôn gắn lý thuyết với thực tiễn, làm việc tốt, có tính khoa học và hiểu biết thị trường.

Bà có thể giới thiệu đôi nét về Giải thưởng Hỗ trợ phát triển tài năng KOVA?

KOVA đã thành lập Quỹ Giải thưởng KOVA và tiến hành trao giải hàng năm. Quỹ này đã hoạt động được 6 năm với mục đích giúp các sinh viên nghèo vượt khó, các tấm gương sáng trong xã hội và các nhà khoa học có các kết quả nghiên cứu mang lại hiệu quả cho đời sống nhân dân. Giải thưởng KOVA đã phát triển cả về chất và lượng. Nhân đây, qua Tạp chí Hoạt động Khoa học, tôi rất mong các bộ/ngành, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về các cá nhân/tập thể để việc trao Giải thưởng KOVA ngày một thiết thực hơn.

Hiện tại, bà thấy hài lòng nhất về điều gì?

Tôi thấy hạnh phúc vì KOVA đã vượt qua được các khó khăn và phát triển vững mạnh. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, KOVA vẫn đứng vững, chưa có một công nhân nào phải nghỉ việc vì lý do này. Tôi tự hào vì KOVA đã cung cấp sản phẩm sơn và chống thấm phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là sản phẩm chống thấm CT11A cho Hà Nội và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng trong trận lụt lịch sử vừa qua.


Xin cảm ơn và chúc bà hạnh phúc, KOVA ngày càng phát triển!