26 December 2010

Tại sao phải hưởng ứng cuộc vận động tẩy chay K+?

Vài năm trở lại đây, tôi chỉ thấy hai công ty tự đưa mình vào thế đối chọi với người tiêu dùng (NTD). Kết quả là cả hai đều bị phản đối và tẩy chay. Đó là Vedan và K+. Nhưng bản chất hai sự việc khá khác xa nhau.

Vedan bắt buộc phải đối chọi với người tiêu dùng vì sự tồn tại của chính họ. Vì chi phí môi trường mà họ trốn tránh mười mấy năm qua đã được chuyển thành lợi nhuận, chảy vào túi các cổ đông tại Đài Loan. Nay nếu phải bồi thường phí môi trường theo đúng luật thì họ phá sản mất. Và đúng là sau một thời gian cù cưa, chịu mọi sự tẩy chay của NTD, họ đã đạt được mục đích là thỏa thuận bồi thường với số tiền thấp hơn rất nhiều so với số tiền lẽ ra họ phải chi trả nếu mọi việc được giải quyết tại tòa án. Có thể cách làm của họ rất phản cảm với mọi người, nhưng cũng nhờ thế mà họ đã từ chỗ chết đi đến nơi có sự sống. Nói chung là họ biết họ không chống nổi sức mạnh của NTD, nhưng họ cần tồn tại trước đã, sau này vẫn còn thời gian để lấy lại sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Còn K+ thì lại khác. Họ là liên doanh hùng mạnh giữa một bên là đại gia VTV tại Việt Nam và một bên là tập đoàn Canal+ tiếng tăm trên thế giới, đã có thể đã tồn tại và phát triển tốt đẹp tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại tự đưa mình vào chỗ chết với cách kinh doanh độc nhất vô nhị từ trước đến giờ tại Việt Nam, đó là bỏ ra một số tiền kinh hoàng để mua “bản quyền độc quyền bóng đá” để rồi đưa ra mức phí cắt cổ đối với đại đa số người dân trong nước. Nhưng đằng sau đó thực chất chỉ là hai chữ: "Lòng Tham".

Chúng ta đã nghe tất cả những gì họ, từ TGĐ Cao Văn Liết đến VTV, thanh minh với NTD. Nào là thời của truyền hình bao cấp đã hết và đã đến lúc NTD phải làm quen với bản quyền truyền hình, nào là giá bản quyền của giải Ngoại hạng Anh ngày càng tăng, nào là cũng nhờ uy tín của Canal & VTV, K+ mới mua được bản quyền truyền hình bóng đá Anh đầy danh giá (?)… thậm chí ông Cao Văn Liết còn than thở “Chúng tôi đâu chịu trách nhiệm về thu nhập của người Việt Nam thấp hay cao” (sic) để biện minh cho việc người có thu nhập thấp tại Việt Nam không thể xem được các giải bóng đá hấp dẫn tại Châu Âu trong năm 2010 và những năm sau đó. Tóm lại, họ dùng vấn đề bản quyền truyền hình để bao biện cho lòng tham của họ, cho việc trục lợi từ vấn đề kinh doanh độc quyền.

Nhưng thực tế thì sao?

Có một thực tế rất phũ phàng là trước đây, một người dân có thu nhập rất đỗi bình thường vẫn có thể xem các trận bóng đá thuộc các giải Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha mà không mang danh “xài chùa”. Vì họ đã trả tiền cho các đài truyền hình tại Việt Nam, hoặc họ phải xem các đoạn quảng cáo luôn xuất hiện trong suốt thời gian trước, trong và sau trận đấu.

Còn hiện tại, sau khi K+ tuyên bố thực thi “công lý bản quyền” tại Việt Nam, số người vi phạm bản quyền truyền hình tăng vọt! Người biết dùng máy tính thì xem trên internet (cũng là một dạng truyền hình lậu và vấn đề bản quyền thì rất mập mờ), người biết kỹ thuật truyền hình thì lắp chảo để thu kênh Education Mông Cổ, hoặc bất cứ kênh gì mà họ có thể bắt được, miễn sao là xem được bóng đá. (Có nhiều người nói rằng chỉ cần vài nghìn là mua được ly cà phê nhâm nhi xem bóng đá trên K+ cũng được. Xin lỗi! Các trận cầu hấp dẫn bậc nhất Châu Âu luôn diễn ra vào lúc rất khuya, ra quán cà phê vào giờ đấy không dễ với nhiều người).

Dân ta thích phạm luật đến thế ư? Xin thưa rằng không, tuy nhiên, muốn người dân không vi phạm, cách tốt nhất vẫn là tạo điều kiện để họ làm đúng luật. Tuy nhiên, những hành động vừa qua của K+ đã chứng tỏ rằng, họ không hề muốn thế. Vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới lợi ích cục bộ của họ. Hay nói chính xác, họ đã có chiến lược kinh doanh sai lầm, nhưng họ không muốn phải trả giá cho sai lầm đó, mà người trả giá phải là NTD.

Nói đến luật thì phải nói đến các cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy họ đã làm gì ?

Các cơ quan quản lý có liên quan đều lảng tránh không muốn giải quyết rốt ráo vụ việc này. Một phần vì không muốn đụng chạm đến VTV – một cơ quan có quy mô và quyền lực ngang bằng với các tập đoàn kinh tế nhà nước, một phần vì truyền hình bóng đá không phải là những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, gạo…

Tuy nhiên họ đã lầm. Bởi vì ai cũng biết, Việt Nam là một trong những nước có mức độ đam mê bóng đá phải nói là tuyệt vời, có thể sánh ngang với Brazil. Tôi có nghe thông tin rằng, nhiệm kỳ của tổng thống Brazil thường kết thúc sau dịp World Cup. Và nếu đội Brazil vô địch, cơ hội tái đắc cử của ông tổng thống đó sẽ tăng nhiều hơn. Do đó, các tổng thống của Brazil đều muốn can thiệp vào thành phần đội tuyển trước World Cup (mặc dù điều này thường gây hại cho đội Brazil nhiều hơn là có lợi). Và chính sách của chính phủ Brazil thường theo hướng lấy lòng giới CĐV bóng đá của nước này. Tại sao các cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam lại không lưu ý đến điều này ?

Vậy NTD Việt Nam phải làm như thế nào trong bối cảnh bị K+ chèn ép, cơ quan quản lý ngó lơ?

Thật ra NTD đã phản ứng rồi đấy. Báo chí cũng đăng, đa phần là không ủng hộ K+. Các SVĐ tại V-League cũng lác đác xuất hiện băng rôn tẩy chay K+, có người còn thiết kế cả mẫu áo chống K+. Còn trên mạng internet thì khỏi nói. Chỉ cần gõ vào Google “tẩy chay K+” là đã có 24.300 kết quả. Diễn đàn nào cũng nói về K+, chim lợn đã nhiều mà người phản đối còn nhiều hơn Tuy nhiên, tất cả mới chỉ ở mức độ lẻ tẻ, không thống nhất và không đủ mạnh mẽ để K+ và những người đứng sau cái tổ chức ấy chùn bước. Họ còn tỏ vẻ thách thức dư luận khi vẫn phát biểu kiểu như “mọi người cứ việc tẩy chay, chúng tôi vẫn cứ độc quyền” hay thậm chí còn trách NTD “không chịu đứng ở địa vị chúng tôi mà phán cứ như đúng rồi”.
Nhưng rồi Hiệp hội CĐV Việt Nam cũng đã vào cuộc, chính thức phát động cuộc vận động tẩy chay K+. Thực chất đây không phải là cuộc chiến giữa CĐV Việt Nam với K+, mà là cuộc chiến giữa NTD Việt Nam với những kẻ kinh doanh tham lam, không muốn tìm kiếm lợi nhuận bằng trí tuệ và công sức như những nhà kinh doanh chân chính khác, mà chỉ tìm cách trục lợi bằng cách chèn ép NTD, với sự hỗ trợ của những thế lực mờ ám sau nó.

Source: http://hdvietnam.com/diendan/showthread.php?t=116944