8 January 2011

Bắt giò tiếng Việt

 

Trên đà phát triển, sinh ngữ nào cũng vừa trở nên phong phú, vừa từ từ biến đổi. Tiếng Việt cũng vậy.

Trong khi biến đổi, đa phần trường hợp, tiếng Việt trở nên hay hơn, tinh hơn, dễ hiểu và chính xác hơn. Nhưng cũng có một số trường hợp ngược lại. Do cách nói dễ dãi, do cách viết thiếu thận trọng, lâu dần phổ biến, những chữ nguyên thủy là đúng, về sau sai đi. Dùng lâu, có người không nhận ra chỗ sai, có người nhận ra nhưng thấy không cần chỉnh lại. Mà trong ngôn ngữ, thói quen là yếu tố cấu thành mạnh nhất, nên một khi một chữ hoặc một câu nào đó đã trở thành thông dụng, thì khó sửa lại.

Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Chúng ta quí trọng ngôn ngữ của chúng ta, chúng ta đồng ý sửa, thì chắc sẽ được. ít nhất là trong văn viết.


Sau đây, tôi xin nêu ra một số trường hợp nói theo thói quen, ai cũng hiểu được, nhưng chỉnh lại cho thật đúng, thì vẫn tốt hơn. Tôi sẽ ghi theo dạng sai, sau đó mới chữa lại. Nếu cần, tôi sẽ đối chiếu, luận nghĩa, đặt thí dụ, cho được rõ ràng.


Bảy tây tháng năm:

Ý muốn nói "ngày 7 tháng 5 dương lịch", để phân biệt với ngày âm lịch. Cách nói dư chữ hơi lẩm cẩm này, ngày nay vẫn còn được nhiều người dùng. Có khi xướng ngôn viên chương trình tiếng Việt của các đài phát thanh ngoại quốc cũng nói như vậy. Nhưng tại sao lại phải nói như vậy?



Ngày nay, ngày tháng âm lịch chỉ còn được dùng trong việc cúng giỗ và làm kỷ niệm lịch sử, đã quen tính theo âm lịch (như ngày Hai Bà Trưng, ngày giỗ Tổ Hùng-Vương). Trên các thiệp cưới, ngày tháng âm lịch chỉ đóng vai trò phụ chú.

Vậy, khi cần đề cập tới ngày tháng, thiết tưởng chỉ cần nói rõ ngày nào, tháng nào, năm nào, đương nhiên người nghe hiểu là ngày dương lịch. Hà tất lại phải nói là "tây"? Mà giả dụ có muốn đưa chữ "tây" vào, thì sao lại không đặt nó phía sau tháng, mà lại đặt phía sau ngày? Nói "bảy tháng năm tây" thì cũng là nói dư chữ, nhưng đỡ trật hơn một chút.



Mỗi khi tôi nghe một người còn trẻ và ra vẻ có tân học, nói kiểu "lẩm cẩm" như trên, tôi không thể không liên tưởng tới một ông buôn trưởng miền Thượng, trên mặc áo bành-tô mà dưới lại đóng khố.



Không ít thì nhiều
Câu này thường được dùng để kêu gọi sự cố gắng đóng góp theo hằng tâm hằng sản của từng người, vào một việc công ích. Nếu không được nhiều, thì cũng nên có phần nào.

Chữ đứng sau chữ "thì", phải là một chữ "châm chước". Nói lầm như thế kia, thì có khác gì nói: Anh đi thi lần này, không đỗ tú tài thì cũng đỗ cử nhân.

Câu này nguyên là: Không nhiều thì ít.

Có còn hơn không

Hai chữ "còn hơn" dùng để châm chước ý phát biểu. "Có" thì đương nhiên là tốt hơn "không" rồi, cần gì phải nói nữa?

Có lẽ nên nói: ít còn hơn không.

Có thể xuất xứ của câu này là câu "Mieux vaut peu que pas du tout" (ít còn tốt hơn là không có chút nào) trong tiếng Pháp, và câu "Half a loaf is better than none" (Nửa ổ bánh mì còn hơn là không có gì cả) trong tiếng Anh.

Sợ như cọp

Câu này thường được dùng như thế, nghe quen tai đến nỗi có khi tôi nghĩ là sai muốn sửa lại, cũng phải ngần ngừ. Tôi ngại bị cho là cầu kỳ.

Cọp dũng mãnh, chớ có tính nhát đâu mà bảo nó sợ? Nói "nhát như thỏ", "dơ như heo", "dữ như cọp", thì đúng. Nhưng nói "sợ như cọp", e không ổn.

Có lẽ nên chữa lại: Sợ như sợ cọp.

Phòng không chiếc bóng
Đây là một thành ngữ cổ, ngày nay có dùng, cũng là nhại cổ văn để diễn một ý thông thường. Tức là "thông tửu cựu bình". Trong thực tế, dùng câu này dễ tạo không khí vui cho câu chuyện.

Nhưng đáng tiếc, vì không để ý đến cách dùng chữ cân đối trong câu, nên đã có nhiều người nói lầm như thế kia. "Phòng" là danh từ, đứng trước "không" là tính từ. Để cho cân xứng, vế sau phải là "bóng (danh từ) chiếc (tính từ)". Đảo lại, câu mất cân xứng, không hay.

Thành ngữ này gốc ở chữ Hán "không phòng chích ảnh", thường được dùng để tả cảnh cô đơn: Trong căn phòng trống, một người ngồi một mình, bóng in lên vách. Trên vách, chỉ có một cái bóng.

Chữ "chiếc" trong câu tiếng Việt tức là chữ "chích" trong câu chữ Hán. Chữ này là tính từ, có nghĩa là "lẻ", là "một mình", chớ không phải là loại từ.

Nên nói: Phòng không bóng chiếc.

Đêm dài lắm mộng
Ngày trước, câu này chỉ thấy trong sách vở. Ngày nay, do phim Hồng-Kông chuyển âm tiếng Việt, câu này trở thành thông dụng.

Hiện nay, ở hải ngoại, đối với người Việt ít học và những thiếu nhi đang cần học tiếng Việt, phim Hồng-Kông quả nhiên có làm rối rắm một phần, do cách nói bừa bãi. Đáng lẽ nói "tôi không ưng anh", thì lại nói "tôi không gả cho anh"; đáng lẽ nói "nếu không" hoặc "bằng không", thì lại nói "nếu bằng không" ... Nhưng ngược lại, những cuốn phim này cũng có phổ biến được một số thành ngữ, tục ngữ hay. Câu đang bàn là một thí dụ. Ngồi ở tiệm ăn, chúng ta có thể nghe một thanh niên người Việt nói với bạn những câu như vầy:
-Hợp ý nhau, thì cưới ngay đi. Mày chờ đợi nàng ra trường, tao e đêm dài lắm mộng.

-Mượn tiền mua ngay đi. Chiếc xe đó mà ông ta kêu bán với giá hai ngàn là quá rẻ. Mày đợi lãnh lương, không sợ đêm dài lắm mộng sao?

Đó là công của phim Hồng-Kông. Nhưng đáng lẽ trong phiên bản tiếng Việt, họ ghi "đêm dài mộng lắm", thì cân xứng về cấu trúc hơn. Gốc câu này là thành ngữ "dạ trường mộng đa", ý khuyên việc gì một khi đã quyết định rồi thì nên làm ngay, để lâu sẽ sinh chuyện. Trong thực tế, bàn việc làm ăn với nhau, cũng có lắm người hôm trước đồng ý, nhưng qua hôm sau lại đổi ý.

Tuy nhiên, nói là nói vậy, "đêm dài lắm mộng" nghe cũng rất thuận. Chữa lại thành "đêm dài mộng lắm" cân xứng hơn, nhưng e không quen tai chăng?

Mày tao chi tớ
"Mày tao" và "mi tớ" là cách xưng hô thân mật, hoặc không giữ gìn, giữa những người ngang hàng với nhau. "Mày tao" dùng ở khắp mọi nơi; "mi tớ" dùng riêng ở một số vùng từ Quảng-Nam trở ra Bắc. "Mi" là "mày"; "tớ" là "tao".

Ghép chung, "mày tao mi tớ" dùng để nói sự suồng sã hoặc không khách khí giữa bạn bè với nhau. Cũng giống chữ "tutoyer" trong tiếng Pháp. Thí dụ: Bây giờ, một thằng làm sĩ quan, một thằng làm lính, nhưng hai đứa vẫn mày tao mi tớ với nhau như hồi còn nhỏ.

Nhưng nói "mày tao chi tớ", thì chẳng có nghĩa gì hết.

Nhất quá tam
Đúng ra là "sự bất quá tam", ý muốn nói phàm ở đời, việc gì cũng không nên quá nhiều lần. Nhiều lắm là 3 lần trở lại. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha ba lần, nếu vẫn còn tái phạm, thì lần thứ tư phải trách phạt. Thất bại trong công việc gì, lần thứ tư phải cố mà thành công. Đã ba lần chết vợ, không nên tục huyền nữa ...

Nhưng dùng lâu, không biết từ lúc nào, và tại sao, câu ấy bỗng đổi thành "nhất quá tam", vẫn được dùng theo ý gốc, nhưng cấu trúc trở thành khó hiểu. Chẳng hạn, hai người bạn tù (cải tạo) ghiền thuốc, một hôm được điếu thuốc ngon, thay phiên nhau hút, giao hẹn mỗi người không được rít quá ba hơi, người nọ canh chừng người kia:

-Không được "nhất quá tam" đó bạn!

Ăn cháo đái bát
Câu này diễn tả hành vi bội bạc của phường phản phúc. Cháo nói đây chắc chắn không phải cháo của mình, mà là cháo được cho, hoặc tình cờ gặp được trong khi đói. Nhưng thay vì ăn xong, rửa sạch bát đem cất cho người ta, lại đối xử bất xứng với cái bát mới vừa bưng trên tay. Có thể người có hành vi này nghĩ rằng không ai thấy, nghĩ rằng cái ơn cho cháo quá nhỏ, nghĩ rằng chủ cháo có biết thì cháo cũng đã ăn rồi ...

Nhưng có lẽ nguyên thủy câu này là "ăn cháo đá bát". Bày tỏ sự vô ơn, thì đá cái bát văng đi là đủ, hà tất lại phải tiểu tiện vào đó, vừa mất công vừa khó làm.

Chăn êm nệm ấm
Câu này diễn tả cảnh sống sung sướng yên bình của một người, hoặc hạnh phúc của một đôi vợ chồng.

Kể ra, nói như vậy nghe cũng thuận tai. Nhưng trong tiếng Việt, cách nói cân xứng hữu lý thường được tôn trọng. Chẳng hạn, ai cũng nói "băng rừng lội suối", chớ không ai nói "lội rừng băng suối". Chăn đắp cho ấm, nệm nằm cho êm, thành ngữ gốc chắc cũng nói theo lẽ thường.

Có lẽ nên nói "nệm êm chăn ấm", hoặc "chăn ấm nệm êm", nghe cũng thuận tai, mà lại thuận nghĩa hơn.

Tai ngơ mặt điếc
Câu này diễn tả một thái độ cố tình làm ngơ trước một tình cảnh đáng giúp đỡ, hoặc có thể can thiệp được.

Cũng giống như câu vừa đề cập, câu này nói như vậy thì nghe cũng chẳng có gì chướng tai. Nhưng nếu chữa lại thành: "Mặt ngơ tai điếc", thì vẫn thuận nghĩa hơn. Có đổi vế sau ra phía trước, thì cũng nên giữ cho đúng cặp: "Tai điếc mặt ngơ".

Tôi đã đọc thấy ở đâu đó, có người viết: "Mắt lơ tai điếc". Câu này nghe không được thông dụng, nhưng thuận nghĩa hơn với từng cặp chữ."Mắt lơ" tức là "mắt ngó lơ".

Buôn thúng bán bưng: Thành ngữ này mô tả cung cách mua bán của những người nghèo. "Buôn" là "mua sỉ"; "bán" là "bán lẻ". Vì ít vốn, nên khi đi mua thì không được nhiều, rồi khi bán lại cũng từng ít một.

Nhưng nói như vậy, không đúng. "Thúng" là đồ đựng, là danh từ, không đối chỉnh với "bưng" là động từ. Có thể miễn cưỡng hiểu "bưng" ở đây là "một bưng" (danh từ), nhưng như vậy, "bưng" sẽ thành "số lượng được mang đi", chớ không phải là "vật chứa".

Vậy, có hai cách, và hai cách này vẫn thường được nhiều người dùng: -Buôn thúng bán mẹt ("thúng" và "mẹt" là đồ chứa, đều là danh từ) -Buôn gánh bán bưng ("gánh" và "bưng" là hai động tác chuyển vận, đều là động từ).


Cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi
Câu này dùng hình tượng mô tả cảnh nhiều ruộng, ruộng liền khoảnh, của một điền chủ cự phú.

Thật ra, trong cả văn nói và văn viết, cũng ít khi gặp trường hợp câu này dùng đủ cả hai vế. Thường chỉ vế đầu được dùng: -Nhà ấy giàu lắm, ruộng cò bay thẳng cánh, mỗi mùa lúa thu vô lẫm nào lẫm nấy đầy tràn.

Nhưng nói "chó chạy cong đuôi", thì lầm.

Để ý cách bay của giống cò trên đồng ruộng, sẽ thấy như vầy: Nó giương thẳng cánh khi cần bay một quãng thật xa. Nếu chỉ bay gần, cánh nó không giương thẳng. Còn chó, khi chạy một đoạn gần, đuôi nó vẫn cong lại (chó ta đuôi cuốn). Chỉ khi nào chạy xa, phải chạy nhanh, đuôi nó mới duỗi ngay ra.

Tự điển Lê Văn Đức (trang 52 phần Tục Ngữ Thành Ngữ) chép câu ấy là "cò bay thẳng kiếng chó chạy cong đuôi". Tôi cũng đã có lần chính tai nghe có người nói như vậy. Nhưng thiết tưởng, sau khi ghi theo dạng thông tục, nhà làm tự điển cũng nên chỉnh lại cho đúng.

Nên nói: Cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi.


Cái răng cái tóc là gốc con người
Câu này nhấn mạnh vào những yếu tố tạo dung nhan cho con người, nhất là người phụ nữ. Trong câu, có một chữ gây phân vân: "gốc" (căn bản), hay "góc" (một phần)?

Nghiệm kỹ, thì chỗ ấy phải là chữ "góc". Chắc ai cũng đồng ý là một người đàn bà mà tóc xấu răng xấu, thì không thể nào đẹp được. Nhưng đồng thời, một người đàn bà tóc thật dài thật mượt, răng thật đều thật trắng, mà mắt hí mũi tẹt mặt lưỡi cày, thì răng tóc kia cũng không thể nào kéo lại cho nổi.

Vậy, răng và tóc chỉ có thể góp phần, chớ không thể quyết định cho nhan sắc.

Tự điển Lê Văn Đức (trang 43, phần Tục Ngữ Thành Ngữ) chép câu ấy với chữ "gốc", và giảng thành hai nghĩa đại ý: 1-Làm con phải giữ gìn thân thể của mình do cha mẹ ban cho; 2-Răng và tóc là hai món chính làm tăng vẻ đẹp của con người.

Tôi nghĩ cả hai ý đều không đúng.

Đầu đi đuôi lọt:
Hai cuốn tự điển của Gustave Hue (1937) và của Lê Văn Đức (1970) đều chép như vậy.

Về nghĩa, chép như vậy cũng không có gì đáng nói. Nhưng về âm, chữ thứ nhì phải là chữ "xuôi", để ăn vần với chữ "đuôi" đứng sau.

Trong tiếng Việt, hầu hết các thành ngữ, tục ngữ đều đặt theo cách thuận âm, vế trước vế sau có những chữ hiệp vận với nhau. Chẳng hạn:

-Uống thuốc thầy già, cất nhà thợ trẻ.

-Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

-Vợ chồng cũ, không rủ cũng tới.

-Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.

Cũng có câu khác, mở đầu bằng hai chữ "đầu đi", và không vần, nhưng nghĩa hơi khác: Đầu đi khúc chuyển ("khúc" là những đoạn sau), dùng để hình dung một tình trạng thuận trong một tập thể. Làm việc gì, người lớn nhất, hoặc người đứng đầu phải làm trước: Vị hội trưởng đóng góp trước rồi mới đến các hội viên; người con trưởng lập gia đình trước các em.



Làm lớn làm láo
Đây là một câu khó hiểu. Vì khó hiểu, nên có người tránh dùng; có người dùng, và giảng theo một nghĩa tùy tiện nào đó.

Tự điển Lê Văn Đức có chép câu này (trang 188, phần Tục Ngữ Thành Ngữ), và giảng: "Lớn vai vế hơn người trong đám, phải đương việc nặng hoặc chịu thiệt thòi hơn". Làm đúng như vậy, thì xứng đáng là "làm lớn" rồi, chớ sao còn gọi là "làm láo"?

Tôi thử tra mấy tự điển khác như Khai Trí, Génibrel, Gustave Hue, Huỳnh Tịnh Của, Tiếng Việt (Hoàng Phê), đều không thấy ghi. Nhưng trong đời sống, tôi đã nghe người miền Trung, miền Nam nói câu này. Có người dùng như một lời mai mỉa (anh cả, chỉ huy ... mà không làm gương). Có người chữa chữ cuối câu thành "ráo" (hết sạch), để châm biếm những người ở địa vị lớn mà tham lam, chiếm hết phần, ăn hết phần, của thuộc hạ.


Nhưng nói "làm lớn làm láo", thì dù sao cũng quá gọn, có thể gây hiểu lầm. Lại có thể gây tiền lệ tâm lý: Hễ ai "làm lớn" thì hay "làm láo", như nhân với quả.



Có lẽ nguyên thủy câu này là: Làm lớn mà làm láo. Nói như vậy mới rõ là một lời trách cứ.



Đầu cua tai nheo
Câu này xưa nay vẫn giữ nguyên, không biến dạng. Nhưng về nghĩa, thì có những cách hiểu khác nhau. Ngoài ra, chữ "nheo" cũng là chữ cần xác định.



"Nheo" là một giống cá nước ngọt, hơi giống cá trê.



Tự điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) định nghĩa "đầu cua tai nheo" như sau: -Đầu đuôi sự việc, với những tình tiết lộn xộn.

Tự điển Lê Văn Đức cho câu này đồng nghĩa với câu "đầu đuôi gốc ngọn".



Phần riêng, tôi đặc biệt để ý đến điểm lạ trong câu: Con cua thì làm gì có đầu, cũng như con cá nheo thì làm gì có tai? Vậy, tại sao nói "đầu cua tai nheo"? Muốn nêu cái phi lý chăng?



Trong thực tế ứng dụng, câu này xưa nay vẫn có ý chỉ vào một người thuật chuyện mà không biết lược bỏ những chi tiết quá vụn vặt, cái gì cũng kể hết cả ra, khiến câu chuyện trở thành tủn mủn.



Có mắt không tròng
Câu này thường được dùng để tự trách, hoặc trách ai đó, không nhận ra người tài, không nhận ra chân giả.



Nhưng đã "không tròng" thì làm sao còn "có mắt" được?



Câu này gốc ở câu chữ Hán "hữu nhãn vô châu". Chữ "châu" ở đây (viết với bộ "ngọc" và chữ "châu" là đỏ) có nghĩa là "con ngươi".



Vậy, nên nói là : Có mắt không ngươi.



Nhiều tay vỗ nên bột
Tôi chưa gặp trong sách báo sự nói lầm đối với câu này. Nhưng trong đời sống hằng ngày, tôi đã nghe nhiều người nói như vậy. Có lẽ người nói hình dung đây là công việc "nhồi bột" nặng nhọc, cần có nhiều người.

Câu này gốc ở câu chữ Hán "cô chưởng nan minh" (một bàn tay không vỗ thành tiếng được), có ý than muốn làm chuyện lớn nhưng thiếu người hợp tác. Sách vở xưa của ta đã dịch câu ấy ra "nhiều tay vỗ nên bộp" ("bộp" là từ tượng thanh). Nhưng có lẽ vì ý tưởng của câu có vẻ hàm súc, hơi cao, nên trong dân gian có người hiểu lầm.

Nếu không thích câu ấy, chúng ta có thể dùng những câu có nghĩa tương tự: -Một cây làm chẳng nên non; -Kết đoàn thêm sức mạnh.

Lang bạt kỳ hồ
Câu này cũng khá thông dụng, nhất là trong văn viết, ý nói về một cuộc sống rày đây mai đó của một người đàn ông. Đôi khi còn có thêm ý nghĩa là người ấy có tính tình phóng khoáng, không câu chấp lề thói của xã hội.



Câu này là một trường hợp rất lạ về chuyện "mượn dùng" trong ngôn ngữ. Trong văn chương Trung-Quốc, thành ngữ này có nghĩa là "tấn thối lưỡng nan". Xin dẫn từ nguồn:



Trong Kinh Thi, thơ Bân Phong có bài: Lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vĩ. Công tốn thạc phu, xích tích kỷ kỷ (Con chó sói bước tới thì đạp cái yếm cổ, bước lui thì vấp cái đuôi. Chu Công khiêm tốn, với những công đức lớn, ông mang đôi giày đỏ mà cung cách rất ung dung). Bài thơ đưa ra hình ảnh một con lang già, yếm cổ rất thòng và đuôi rất xù, để nói lên thái độ lúng túng, trước khi đề cao sự tự nhiên của một hiền giả đạo cao đức trọng là Chu Công. Về sau, văn chương Trung-Quốc lấy hai câu đầu của bài thơ để hình dung một người đang ở trong hoàn cảnh khó xử, tiến lui đều gặp trở ngại.



Bây giờ, sau khi truy nguyên để biết "lang bạt kỳ hồ" vốn có nghĩa gì, có lẽ chúng ta không thể "phục nguyên" để dùng như người Tàu. Chúng ta đành chấp nhận sức mạnh của thói quen trong ngôn ngữ. Ai cũng hiểu vậy, hãy để vậy. Hoặc không dùng nữa.



Đầu Ngô mình Sở
Câu này thông dụng hơn câu vừa bàn, nhất là trong khẩu ngữ. Và tất cả mọi người đều hiểu giống nhau, dùng giống nhau theo nghĩa: Kể chuyện không mạch lạc, đang chuyện nọ lại bắt quàng sang chuyện kia, không đâu ra đâu. Đại khái, cũng có nghĩa như từ "coq-à-l'âne" trong tiếng Pháp.



Câu này có gốc ở thành ngữ "Ngô đầu Sở vĩ" (hoặc đảo lại, Sở vĩ Ngô đầu) của người Tàu, dùng để chỉ tỉnh Giang-Tây, nằm phía trên đất Ngô, phía dưới đất Sở. Xưa nay, chỉ được dùng theo nghĩa địa lý cụ thể, chưa bao giờ được dùng theo nghĩa bóng.

Nhưng khi du nhập vào tiếng Việt, nghĩa được chuyển, và đã thành quen tai và ổn định.



Riêng về mặt chính tả, tôi đề nghị đừng viết hoa hai chữ "ngô" và "sở", để Việt-hóa hẳn câu ấy đi. Các bạn nghĩ có nên chăng?



Đá lăn đá không rêu
Câu này chỉ thấy trong tự điển Lê Văn Đức (trang 104 phần Tục Ngữ Thành Ngữ).



Chắc các bạn nhận ra câu này lấy ý ở câu tiếng Pháp "Pierre qui roule n'amasse pas mousse", hoặc câu tiếng Anh "A rolling stone gathers no moss". Hai câu này đều có nghĩa bóng là: Một người có cuộc sống không ổn định về nơi cư trú, hoặc về nghề nghiệp, thì không bao giờ sung túc được. Và luôn luôn được dùng theo nghĩa bóng.



Nhưng tự điển Lê Văn Đức lại giảng: "Vật năng dùng thì không hư sét, người năng làm việc thì không đau ốm, óc năng suy nghĩ thì không lu mờ". Đây là lối giảng nghĩa tùy tiện, vả lại câu nói đây cũng chưa thông dụng trong tiếng Việt.



Một con én không làm nổi mùa xuân
Câu này cũng "xuất thân" từ bên Tây, nhưng đã trở thành thông dụng trong tiếng Việt, chỉ có điều được dùng theo nghĩa hiểu lầm, bỏ xa nghĩa gốc.



Gốc xa của câu này ở Cổ Hi-Lạp, lời Aristote. Nhưng gốc gần trong tiếng Pháp và tiếng Anh là hai câu này: -Une hirondelle ne fait pas le printemps; và -One swallow does not make a summer. Cả hai câu đều được dùng theo nghĩa bóng: Không thể chỉ bằng vào một trường hợp duy nhất mà kết luận. Hoặc: Không nên dựa vào một cái cá biệt để tổng quát hóa vấn đề. Chẳng hạn: -Thấy có người câu được một con cá to ở một khúc sông kia, thì cũng đừng vội nghĩ rằng câu ở đó thì luôn luôn được cá to. -Thấy có người đi buôn vào ngày nguyệt kỵ rồi lỗ mất vốn, thì cũng không cần phải sợ những ngày nguyệt kỵ.

Nghĩa gốc là như thế, và đến ngày nay, cũng không thay đổi. Nhưng có một số người Việt dùng câu ấy theo nghĩa: Việc lớn, việc nặng, sức một người không làm nổi.



Trường hợp rời xa nghĩa gốc này khác với trường hợp câu "lang bạt kỳ hồ", và tôi nghĩ nên chỉnh lại. Đây là lý do: Một là sự hiểu sai rõ ràng quá. Hai là nghĩa đúng của câu ngoại ngữ là một ý chưa có trong tục ngữ tiếng Việt, dùng theo nghĩa đúng đó, thì tục ngữ của ta có thêm được một câu hay. Trong khi đó, nếu dùng theo nghĩa sai (một mình không làm nổi), thì chúng ta đã có nhiều câu tương tự: -Một cây làm chẳng nên non; -Đơn thương độc mã; -Nhiều tay vỗ nên bộp; -Đông có mày tây có tao ...



Đoái công chuộc tội:
Câu này có gốc ở câu chữ Hán "đái công thục tội". Chữ "đái" có nghĩa là "đội", có thể đọc là "đới", nhưng không thể đọc là "đoái". Chữ "thục" có nghĩa là "chuộc".



Nếu muốn Việt-hóa hoàn toàn câu này, thì nên nói "đội công chuộc tội", hoặc giản dị hơn, "đem công chuộc tội".



Khám bác sĩ
Có bệnh, phải nhờ bác sĩ khám, sao lại nói là "khám bác sĩ"?



-Anh có triệu chứng bị cảm rồi đó, đi khám bác sĩ đi.



Ai cũng nói như vậy, và chẳng ai thắc mắc gì cả. Đây là một trường hợp dùng chữ "trái lẽ", nhưng đã thành quen tai. Đúng lý, thì phải nói " ... nên đến cho bác sĩ khám". Nhưng cách nói kia nghe đã quá quen, để vậy cũng chẳng sao.



Lỗ mũi cao: Là "lỗ" thì cao sao được? Thế mà, không thiếu gì người nói "lỗ mũi cao", "lỗ mũi tẹt", "lỗ mũi thẳng", "lỗ mũi vẹo" ... Cũng như có người nói: "Lỗ tai to thì sống lâu"; "ăn lỗ tai heo nhắm rượu" ...



Đối với cả hai trường hợp, chỉ cần bỏ chữ "lỗ" đi là xong. Nên nói: -Cô ta miệng hơi móm, nhưng được cái mũi cao kéo lại. -Ông cụ có tai to như tai Phật. -Ắn tai heo ngâm giấm, coi chừng đau bụng.



Áp huyết

Đây là từ Hán. Đã dùng, thì nên dùng đúng theo cấu trúc Hán. Chữ Hán có cấu trúc ngữ pháp giống tiếng Anh, chữ chính luôn luôn đứng sau chữ định tính. Muốn nói "sức ép của máu", phải nói "huyết áp", không thể nói "áp huyết"; phải nói "blood pressure", không thể nói "pressure blood".



Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tránh dùng từ Hán: Nói "đo máu" thay vì "đo huyết áp"; nói "bị cao máu" thay vì "bị cao huyết áp"; nói "thuốc chữa máu cao" thay vì "thuốc cao huyết áp" ...



Yếu điểm
Nếu muốn nói về một điểm yếu (không mạnh), thì không thể nói "yếu điểm", mà phải nói "điểm yếu", hoặc "nhược điểm".



Đặt chữ "yếu" trước chữ "điểm", hai chữ này rơi đúng vào cấu trúc Hán, "yếu" phải được hiểu là chữ Hán với nghĩa là "chính" là "quan trọng". Và "yếu điểm" có nghĩa là "điểm quan trọng".



Luật bù trừ
Chữ "bù trừ" không sai, nhưng không thể đi với chữ "luật". Đây là hai chữ thuần Việt. "Bù" là thêm vào; "trừ" là bớt ra. Có thể nói: "Lập quĩ bù trừ để cân bằng ngân sách", hoặc "Liệu bù trừ giữa người giàu người nghèo sao cho công bằng".

Nhưng nếu muốn đề cập tới ý phàm ở đời, hễ "hơn về mặt này thì tất phải thua về mặt khác" (bỉ sắc tư phong), thì phải dùng chữ "thừa trừ". "Thừa" là "nhân lên" (multiply) cho nhiều; "trừ" là "chia ra" (divide) cho ít. Vì vậy, chỉ có thể nói "luật thừa trừ".



Gia chánh
 Có những cuốn sách dạy cách nấu nướng và làm bánh được gọi là sách "gia chánh". Gọi như vậy là lầm.

"Gia chánh" có nghĩa chung là "công việc trông coi một gia đình", giống như mấy chữ "tề gia nội trợ". Cũng có nghĩa cụ thể là "điều hành việc chi tiêu trong nhà", giống như chữ "home economics" trong tiếng Anh.



Vậy, nếu chỉ là sách dạy nấu ăn, thì nên gọi là sách dạy "nấu ăn". Còn nếu phạm vi hướng dẫn bao gồm cả các công việc khác của phụ nữ như thêu, đan, may vá, thì nên gọi là sách "nữ công".



Bá cáo:
Có người dùng chữ này theo nghĩa "kể lại", giống như chữ "báo cáo". Dùng như vậy là lầm.

ở đây, chữ "bá" có nghĩa là "làm cho lan rộng ra". "Bá cáo" có nghĩa là "nói cho mọi người đều biết", cũng giống như chữ "quảng bá", hoặc "quảng cáo".



Tóm lại, chữ "bá cáo" không thể dùng theo nghĩa "thuật lại".



Chưa vị tất: "Vị tất" chữ Hán có nghĩa là "chưa chắc" chữ Việt. Nói "chưa vị tất" là nói dư chữ, nghe hơi buồn cười.



Vô hình trung:
Đây là một từ mới, không biết được đưa vào sử dụng từ bao giờ, nhưng những tự điển chữ Hán, chữ Việt xuất bản trước chiến tranh, không ghi.



Về chính tả, còn có người viết "vô hình chung". Về nghĩa, mỗi người hiểu một cách. Tựu trung, có hai cách hiểu chính: 1-Theo nghĩa "không cố ý"; 2-Theo nghĩa của từ cũ "chung qui".



Tôi thử tra tự điển, thì thấy:



-Tự điển Hán-Anh Mathews (1966) không ghi "vô hình trung", nhưng có ghi "vô ý trung", và định nghĩa là "thoughtlessly, inadvertently" (không dụng tâm);



-Tự điển Hán-Anh Viễn-Đông (1993) có ghi "vô hình trung", và định nghĩa cũng gần giống cuốn vừa dẫn;



-Từ điển Việt-Hán của Hà-Nội (1990) chú nghĩa "vô hình trung" là "vô ý trung";



-Tự điển Tiếng Việt Hoàng Phê (1988) định nghĩa "vô hình trung": Tuy không có chủ định, không cố ý, nhưng tự nhiên là. Và cho thí dụ: -Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó.



-Tự điển Lê Văn Đức (1970) có ghi "vô hình trung", nhưng giảng rất lúng túng: "Tóm lại, rút ra những phần cốt yếu mà khó thấy. Thí dụ: Làm chính trị phải có nhiều thủ đoạn để giải quyết trăm ngàn việc khó khăn phức tạp; nhưng vô hình trung, là làm cho nước mạnh dân giàu, an cư lạc nghiệp".



Bốn cuốn trước hiểu "vô hình trung" theo nghĩa "không cố ý". Riêng cuốn sau cùng hình như hiểu theo nghĩa "chung qui", "rốt cuộc".



Phần tôi, trước nay tôi vẫn tránh dùng ba chữ "vô hình trung", vì nghĩ rằng có thể gây hiểu lầm. Nghĩa đúng là "không dụng tâm", nhưng không thiếu gì người không hiểu theo nghĩa ấy.



Tôi tự hỏi sao lại có người cầu kỳ đi dùng chữ ấy làm gì, trong khi đã có những chữ "vô tình", "không dụng tâm". Nhưng nghĩ cho cùng, chữ mới đôi khi cũng có cái hấp dẫn của nó. Như trong khi đã sẵn "tối thiểu", "ít ra", "ít nhất", thì nhiều nhà văn trong nước vẫn thích dùng "chí ít".



Theo tôi, phong phú hóa tiếng nói của mình là chuyện rất nên làm, nhưng cũng tùy chữ.



Gây cấn:
Ai cũng hiểu chữ này theo nghĩa "khó khăn", "vướng mắc", "không thuận với nhau". Cái sai nằm ở cách viết và phát âm chữ đầu.



Chữ đầu phải viết là "gay" (chữ "a" không có dấu mũ) mới đúng. Trong phạm vi trừu tượng, chữ này có nghĩa là "khó": -Việc ấy gay lắm. Trong phạm vi cụ thể, "gay" có nghĩa là "gài rất chặt": -Gay chèo; -Cốt cửa gay, không đóng khít được.



"Cấn" trong cụ thể, có nghĩa có sự đụng chạm không êm: -Mặt đất không phẳng, nằm cấn quá; -Cái cửa hẹp, chiếc bàn này bị cấn không khiêng qua lọt.



Nhưng một khi đi chung với nhau, "gay cấn" chỉ được dùng trong phạm vi trừu tượng: Vấn đề trở nên gay cấn, rất khó giải quyết.



Khiêng:
Chữ này chỉ bị dùng sai từ sau 1975.



Chữ này vốn có nghĩa là nhiều người, dùng tay hoặc dùng đòn, di chuyển một vật nặng hoặc cồng kềnh. Yếu tố phải có để được gọi là "khiêng", là nhiều người. ít nhất là hai người. Một người, thì không gọi là "khiêng" được.



Nhưng hiện nay, giới trẻ nói: -Cô ấy lái xe đi chợ, rồi một mình khiêng tất cả vô nhà. -Cái TV này nặng lắm, một mình tao không khiêng nổi.



Tiếng Việt rất phong phú về mặt động từ chỉ những công việc di chuyển đồ vật:



-Một người làm một mình: Vật cần di chuyển để trên đầu, thì gọi là "đội"; trên vai, thì gọi là "vác"; trên vai mà có đòn có gióng (quang), vai ở giữa vật treo hai bên, thì gọi là "gánh"; cũng có đòn có gióng, nhưng vật chỉ có ở một đầu, thì gọi là "quảy"; "gánh" mà quá nhẹ" thì cũng gọi là "quảy"; vật chứa trong một đồ đựng và phải dùng hai tay, thì gọi là "bưng"; vật là một khối nặng và phải dùng cả hai tay, thì gọi là "rinh"; vật có quai có dây, hoặc là một cái túi chứa, khi di chuyển vật thòng thấp hơn tay, và chỉ dùng một tay thôi, thì gọi là "xách"; cũng dùng sức của vai nhưng vật không nằm trên vai, mà thòng xuống, hoặc nằm trên lưng, thì gọi là "mang" (mang xắc, mang gùi); dùng nách, thì gọi là "cặp nách" hay "kẹp nách".



Riêng đối với người (thường là đứa bé), động tác di chuyển có những tên riêng: Trên lưng, thì gọi là "cõng"; trên cổ, thì gọi là "cõng đòng đòng"; phía trước, thì gọi là "bồng", "ẵm", "bế"; bên hông, thì gọi là "nách"; phiá trước hoặc phía sau, mà có dụng cụ (như cái túi) để êm cho đứa bé, và rảnh tay cho người lớn, thì gọi là "địu".



-Hai người trở lên cùng làm: Gọi là "khiêng", và chỉ có chữ này.



Các bạn nghĩ, chúng ta nên coi đây là "phong phú" và "tinh vi" để trân trọng. Hay chỉ là "rườm rà" và "rắc rối", nói đúng cũng hay, mà nói sai cũng chẳng sao?



Tôi chỉ xin gợi ra, còn quyết định như thế nào là trách nhiệm chung.



Sau đây, là một vài sai lầm có tính cách "cao cấp", đôi khi xuất hiện trong những cuốn sách, những bài báo, và những bài diễn văn.



Đan cử: 
Đây là một động từ kép, gốc Hán. Cái sai nằm trong cách dùng, và cách phát âm chữ đầu.



Về cách phát âm, chữ đầu (viết với bộ "khẩu") có thể đọc là "đơn" hoặc "đan", có nghĩa là "một", "một mình". Nhưng trong thông dụng, người Việt chúng ta đã quen đọc chữ này là "đơn". Như "cô đơn" (không ai đọc "cô đan"); "đơn độc" (không ai đọc "đan độc"); "đơn thương độc mã" (không ai đọc "đan thương độc mã"). Đi với chữ "cử" (với nghĩa "đưa ra"), cũng nên đọc là "đơn".



"Đơn cử" có nghĩa là đưa ra một trường hợp để mà đặt vấn đề thảo luận. Nếu nói "Xin đơn cử mấy vụ sau đây để chúng ta cùng phân tích", thì là sai, vì đã là "đơn" thì sao lại còn "mấy"?



Rất đông đủ:
"Đông đủ" là không thiếu một người nào. Đã dùng "đông đủ", thì không nên dùng "rất" để nâng cấp.



Chữ "rất" chỉ có thể đi với những tính từ không có nghĩa "tuyệt đối", như "đẹp", như "phức tạp"; không thể đi với những tính từ "không còn chỗ co dãn", như "tuyệt đẹp", như "đúng mức" ... Không nên nói "rất tuyệt đẹp"; cũng không nên nói "rất đúng mức".



Trong tiếng Việt, có những chữ có thể được coi là "trạng từ đánh giá tính từ", như "rất", "khá", "hơi" ... Những chữ này không thể đi đôi với những tính từ vốn có nghĩa "tuyệt đối" như đã nói trên. Tính từ loại này không nhiều lắm, nhưng cũng không quá ít, để có thể kể ra. Tuy nhiên, có thể nêu một cách nhận diện: Những chữ đi với những chữ "hoàn", "toàn", "tuyệt", "cực", "tối", "đúng mức", "hết sức", ... thường tạo ra những tính từ "không co dãn".



Xin gợi ý: Không nên nói "hơi hoàn hảo", "khá tuyệt đối", "rất tuyệt vời".



Cuối cùng, xin nêu ra vài trường hợp chịu ảnh hưởng của tiếng Anh, tiếng Pháp.



Viết xuống: Nhiều bạn trẻ người Việt ở Mỹ và Canada dùng chữ này như chữ "ghi". Thay vì nói "ghi", hoặc "viết", họ lại nói "viết xuống". Đáng lẽ trực tiếp dùng tiếng Việt, họ lại dịch từ tiếng Anh. Họ nghe người Mỹ, người Canada nói "write down", nên họ nói "viết xuống".



Thí dụ: -Số điện thoại của ông ta là .... , mày viết xuống đi. -Tính mua gì, thì viết xuống, không ra chợ lại quên.



Mày tao: Đây là cách xưng hô của người Việt, trong khi thuật lại những lời đối thoại với người ngoại quốc.



Trong câu chuyện xảy ra trước đó, người Việt kể lại đã được người Tây, người Mỹ gọi bằng "you" và tự xưng bằng "I". Nhưng đáng lẽ những chữ này phải được chuyển sang tiếng Việt bằng những chữ hợp cảnh, thì người kể lại luôn luôn dùng hai chữ "mày, tao".



Chẳng hạn, một ông cụ người Việt tuổi đã ngoài 70, đi chợ Tây về kể lại với bà vợ: -Bữa nay thứ ba đầu tháng. Khi tôi trả tiền, con nhỏ tính tiền nói: Bữa nay, tao bớt cho mày 10 phần trăm. Cô gái người da trắng kia tuổi chỉ đáng cháu nội của ông, có lý nào ăn nói hỗn hào như vậy? Đáng lẽ lời kể lại phải như thế này: Khi tôi trả tiền, cô tính tiền nói: Bữa nay, tôi bớt cho cụ 10 phần trăm.



Trong thực tế ngày nay, nhiều người dùng hai chữ "mày tao" như một cái mốt. Không nói như vậy, thì không có vẻ tân tiến, trẻ trung.



Họ không hiểu rằng trong tiếng Việt vốn không có chữ "mày tao" dùng theo kiểu du côn như vậy.



Và sau đây là một vài trường hợp cũng nên chỉnh lại trong lãnh vực y-dược:



Trong những dược điển (sách kê những thứ thuốc và cách dùng), và những toa thuốc (kèm theo hộp thuốc), ở chỗ cho biết thuốc dùng để chữa bệnh gì, các viện bào chế ngoại quốc thường dùng chữ "indications"; và ở chỗ cho biết thuốc không thể dùng cho ai, không thể dùng trong trường hợp nào, thì họ dùng chữ "contre-indications".



Với hai chữ này, đáng lẽ người Việt nên dùng chữ "chủ trị" (hoặc "nên dùng") cho trường hợp trước, và chữ "khắc kị" (hoặc "không nên dùng") cho trường hợp sau. Nhưng một số sách thuốc và toa thuốc trong nước ngày nay, lại câu nệ vào cách dịch sát từng chữ (word for word; mot à mot), mà ghi "chỉ định" và "chống chỉ định", khiến chuyện đáng lẽ phải rõ ràng, lại trở thành khó hiểu.



Cũng giống như vậy, hai chữ được dùng trong những phiếu ghi kết quả thí nghiệm y học. Mỗi khi cần thêm dữ kiện để giúp cho sự chẩn đoán được chính xác, bác sĩ điều trị thường nhờ phòng thí nghiệm thử máu, đàm, nước tiểu, ... của bệnh nhân, để biết trong cơ thể của người bệnh có loại vi trùng nào đó hay không. Nếu là "có", phòng thí nghiệm ghi chữ "positive"; nếu là "không", phòng thí nghiệm ghi "negative".



Đáng lẽ, với trường hợp "có", người Việt ghi đơn giản là "có"; với trường hợp "không", ghi đơn giản là "không". Nhưng ngày nay, trên những phiếu "xét nghiệm" ở trong nước, cũng như trong những bài chỉ dẫn về cách chữa bệnh trên báo chí ở hải ngoại, người ta lại dùng hai chữ "dương tính" và "âm tính". Vừa khó hiểu cho những người ít chữ nghĩa, vừa không đúng. Muốn dịch cho sát, chỉ nên dùng hai chữ "dương" và "âm" không thôi. Thêm chữ "tính" phía sau, trong trường hợp này, là không đúng.Và chữ "lâm sàng". Các bạn thử đem chữ này hỏi những người nào mà các bạn cho là giỏi chữ Hán, xem họ giảng ra sao. Tôi đã thử, và người nào cũng lúng túng. Chữ này chỉ mới xuất hiện vài chục năm nay, trong những trường hợp, như "triệu chứng lâm sàng", "thí nghiệm lâm sàng", dịch trực tiếp từ những chữ "clinical symtom, symtôme clinique", "clinical experimentation, essai clinique". Đây là những triệu chứng, những thí nghiệm trực tiếp ở những bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.



Nếu chỉ xét thuần về mặt chữ nghĩa, thì chữ "lâm sàng" vừa đúng vừa hay. Nhưng khó hiểu. Còn khó hiểu hơn chữ "lâm bồn" dùng cho những sản phụ. Tôi xin đề nghị thay vào đó mấy chữ "tại giường bệnh": -Thí nghiệm tại giường bệnh; -Triệu chứng tại giường bệnh.



Trong lãnh vực bệnh tật và thuốc men, nói điều gì thì cũng cần cho thật rõ ràng, cho nên phải hết sức tránh những chữ khó hiểu. Tôi nghĩ như vậy, và hi vọng các bạn đang hành nghề y-dược tán đồng.