20 January 2011

VỀ CUỐN SÁCH HỌC TIẾNG VIỆT CỦA NHÓM CÁNH BUỒM

nói thì dễ chứ soạn giáo trình hoàn toàn  khó lắm mấy bạn !

bài của Nguyễn Thị Ly Kha




Vừa qua, một nhóm tác giả dưới tên Nhóm Cánh Buồm (dưới đây xin viết tắt là Nhóm CB) đã cho ra mắt bộ "sách giáo khoa" Chào lớp Một gồm 5 quyển Tiếng Việt, Tiếng Anh, Văn, Tin học và Lối sống nhằm giới thiệu với công chúng một nền "giáo dục hiện đại" theo quan điểm của nhóm tác giả này.

Dễ nhận thấy, so với chương trình lớp 1 hiện hành, bộ sách thiếu hẳn một môn hết sức quan trọng là Toán; còn các môn Văn, Tiếng Anh và Tin học không có trong chương trình dạy trẻ 6 tuổi.

Về sách Tiếng Anh của Nhóm CB, một học giả ở TP Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Vạn Phú đã có bài đánh giá. Theo ông Phú, bên cạnh những lỗi rất sơ đẳng về ngữ pháp tiếng Anh như các câu The flowers ís pretly. / Were's the pictures? (chủ ngữ ở số nhiều, vị ngữ ở số ít), In the sea, animals moving free! (câu thiếu vị ngữ), sai lầm nghiêm trọng nhất mà quyển sách giáo khoa lớp 1 này mắc phải là nó "dạy học sinh VỀ tiếng Anh, chứ không phải dạy tiếng Anh cho các em". Lẽ ra phải dạy học sinh hình thành và phát triển các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết để các em có thể giao tiếp bằng tiếng Anh thì ngay từ đầu các tác giả đã nhồi nhét cho trẻ lên 6 sự khác biệt giữa tiếng Việt với tiếng Anh, giữa số ít với số nhiều, giữa a/an với the, rồi vị trí của tính từ v.v… đến mức ông Phú phải kêu lên: "Trời đất, các em lớp 1 mà học thế thì làm sao học cho vô !". Cách dạy ngoại ngữ này còn tệ hơn cả cách dạy theo quan điểm cấu trúc đã bị loại bỏ từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Thật đáng buồn là những khuyết điểm ông Nguyễn Vạn Phú nêu ra không chí có ở quyển Tiếng Anh. Quyển Tiếng Việt của Nhóm CB cũng đầy những lỗi ABC về chính tả như dở quẻ (lẽ ra phải viết giở quẻ), thỏa, khỏe (lẽ ra phải đặt dấu thanh ở âm chính: thoả, khoẻ); nhan nhản những từ khó như : vô tri, huý kị, tuỳ nghi, khủng hoảng, sổ tài khoản, xi-nhan, co-ran (chắc muốn nói đến kinh Co-ran của Đạo Hồi)…, hoặc những từ có nghĩa không hay đối với trẻ nhỏ như : áo quan, dở quẻ (giở quẻ), ngón đòn, phè phỡn, tám hoánh v.v… Bài Luyện tập cuối sách (tr.105) mới thực sự là đỉnh cao của sự "quá tải" mà dư luận đề cập lâu nay. Không biết bài sẽ dạy trong mấy tiết nhưng học sinh phải thực hiện ba "nhiệm vụ" sau :

"Nhiệm vụ 1. Dùng Chương trình Word, dùng cách gõ Telex, chép lại các bài đồng dao em đã thuộc. (Gõ không nhìn vào sách).

Nhiệm vụ 2. Xem các hình […] rồi tự làm bài đồng dao trao đổi với các bạn.

Nhiệm vụ 3. Viết một lá thư cuối năm học gửi cho một người thân tuỳ em chọn."

Nhưng cũng như ở quyển Tiếng Anh, điều đáng nói nhất ở quyển Tiếng Việt này là các tác giả muốn trang bị lí thuyết ngôn ngữ học cho trẻ mới rời trường mầm non, chứ không phải hình thành và phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho các cháu.

Ngay từ mấy trang đầu, quyển sách viết cho những học trò chưa hề biết đọc biết viết đã dày đặc chữ với những đề mục và những câu hỏi rất bác học như: "Đại cương: Phương pháp học ngôn ngữ. Thao tác phát âm. Thao tác phân tích âm. Thao tác ghi lại / đọc lại", "Áp dụng phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ", "Vật vô tri không có hoạt động ngôn ngữ", "Em làm cách gì để biết chắc: Hòn đá không có hoạt động ngôn ngữ?" / Cái cây không có hoạt động ngôn ngữ? / Con vật không có hoạt động ngôn ngữ? / Con người có hoạt động ngôn ngữ? / Các dân tộc có ngôn ngữ khác nhau? / Người trên thế giới có ngôn ngữ khác nhau?".

Còn đây là một số "việc làm" của thầy cô (T) và học sinh (H) để trả lời câu hỏi "Em làm cách gì để biết chắc: Hòn đá không có hoạt động ngôn ngữ?" (sách Hướng dẫn tổ chức việc học các môn Tiếng Việt, Văn, Lối sống, Tin học, Tiếng Anh, tr.12 - 13) :

"T: Cô mang đến lớp hòn đá này đây. Chỉ cần nhìn nó thôi các em cũng biết: nó có nói được không ? / H: Không.

T: Có những thứ gì giống như hòn đá và không nói được, các em hãy kể ra. / H: Các em lần lượt kể ra: tấm gỗ, cái tủ, cái bàn, cục sắt, hòn gạch, chiếc đũa, cái thìa,…

T: Các em rất giỏi. Cô dạy các em một cách nói: những thứ đó ta gọi là vật vô tri. Các em nói lại: Vật vô tri. / H: Vật vô tri… Vật vô tri... Vật vô tri… […]

T: Giả sử bây giờ ta phải dạy hòn đá nói. Ta phải dùng thao tác đầu tiên là gì ? / H: Phát âm.

T: (Củng cố) Các em giỏi lắm. Các em rất nhớ điều đã học tiết trước: thao tác đầu tiên là phải phát âm. Các em nhắc lại. / H: Thao tác đầu tiên là phải phát âm… Thao tác đầu tiên là phải phát âm… Thao tác đầu tiên là phải phát âm… […]

T: Hôm nay em làm những việc gì trong tiết học ? / H: Hôm nay em bắt hòn đá nói nhưng không nói được, vì nó là vật vô tri không có ngôn ngữ.

T: Cô khen, các em nhắc lại: "Hòn đá là vật vô tri, không có ngôn ngữ. " / H: Nhắc lại "Hòn đá là vật vô tri, không có ngôn ngữ."

Qua đoạn dẫn trên, có thể thấy các tác giả quyển Tiếng Việt không chỉ xác định sai mục đích dạy tiếng Việt cho trẻ em mà còn dạy trẻ theo một phương pháp vừa đơn điệu vừa áp đặt, giáo điều, ngược hẳn lại với chính tuyên ngôn của nhóm là tổ chức việc học của các em để nó trở thành tự học.

Thực ra, về quyển Tiếng Việt và các quyển sách khác của Nhóm CB còn rất nhiều sai sót đáng phê bình. Qua bài viết ngắn này, tôi chỉ muốn nêu lên một số vấn đề chính để các tác giả suy nghĩ về đường lối dạy học của mình. Nếu cứ tiếp tục đường lối như đã thể hiện trong hai quyển Tiếng Anh và Tiếng Việt thì dù các tác giả có "viết lại toàn bộ" như lời khuyên rất chân tình của ông Nguyễn Vạn Phú, cũng khó có thể đưa vào trường học.

9 - 10 - 2010

*Bài viết do TS. Nguyễn Thị Ly Kha (Tp Hồ Chí Minh) gửi trực tiếp gửi cho Nguyễn Xuân Diện - Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!