6 March 2010

how to face an interview - Kinh nghiệm trả lời phỏng vấn





Tôi đã từng bị phỏng vấn xin việc/đi học nhiều lần và cũng có dịp được phỏng vấn người khác hay tham gia vào một số thảo luận liên quan đến việc lựa chọn ứng viên. Tôi có một số nhận xét và kinh nghiệm cá nhân muốn chia sẻ.


1. Nếu có thể lựa chọn thì cố gắng có 1 cuộc phỏng vấn trực diện (face to face). Tôi thường có kết quả tốt khi bị phỏng vấn face to face. Rất khó có được cái gọi là “human contact” khi phỏng vấn qua điện thoại. Phỏng vấn qua điện thoại cũng khó hơn cho những người dùng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.

2. Chỉ cần 2 phút đầu tiên là đủ để đánh giá bạn là ứng viên tiềm năng hay không. Nếu bạn bị mất điểm ở 2 phút đầu thì nguy cơ tất cả những gì bạn nói sau đó sẽ là vô ích. Nói vậy để thấy rằng bạn cần ăn mặc tử tế (khái niệm mặc tử tế này cũng phức tạp lắm đây, các bạn không nhất thiết phải mặc như 1 ngôi sao hay mặc những thứ sang trọng đến mức lố bịch, nhưng cũng không được quá tuềnh toàng; tiêu chí của tôi là: simple and elegant), mồm miệng thơm tho, phong thái tự tin (nhưng không arrogant), ngồi thẳng người, nhớ nhìn thẳng vào mắt những người đối diện, mỉm cười khi cần thiết.

3. Đừng coi phỏng vấn là việc bạn bị hỏi và có nhiệm vụ trả lời. Hãy coi đó là một cuộc trò chuyện. Nhớ là đừng trả lời quá dài (hình như lan man là căn bệnh mạn tính của người Việt). Trả lời ngắn gọn và thẳng vào câu hỏi. Nếu họ cần biết gì thêm, họ sẽ hỏi tiếp. Tôi rút ra 1 điều là người phỏng vấn thường thích nói nhiều về cơ quan họ và về những gì họ đang làm thành ra tôi thấy việc mình chuyển sang làm một người biết lắng nghe, biết gợi ý để họ nói về họ, có lợi hơn là việc tôi nói nhiều về bản thân mình.


4. Trả lời một cách tự tin. Chú ý cách dùng động từ. Không dùng những động từ mơ hồ hay không chắc chắn.

5. Chú ý cách dùng câu chữ. Dù phỏng vấn là một cuộc nói chuyện, các bạn cũng không nên à ê theo kiểu văn nói. Nếu bạn nào quan tâm đến chính trị Mỹ chắc còn nhớ việc bà Caroline Kennedy có cuộc phỏng vấn trong đó bà cứ à ê những câu dạng ‘you know”. Cuối cùng thì bà bị chỉ trích là một người kém cỏi và buộc phải từ bỏ việc tranh chiếc ghế Thượng nghĩ sĩ của bà Hillary để lại. Tôi mà phỏng vấn ai mà dùng tới 3 từ “you know” trong cả buổi thì chắc chắn tôi sẽ đánh trượt.

6. Hãy tỏ ra mình là một người khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi. Điều này rất quan trọng vì không ai biết tất cả. Quan trọng là bạn phải cho người phỏng vấn thấy mình sẵn sàng học và có tiềm năng để học được. Cũng cần thể hiện mình là một người có tính cách ấn tượng, hài hòa (nice personality). Nếu phải lựa chọn giữa một người có tính cách ấn tượng nhưng chuyên môn hơi kém và một người có chuyên môn tốt nhưng không có nice personality thì chắc chắn tôi sẽ chọn người đầu tiên và đào tạo thêm. Lựa chọn một người có tính cách kiêu căng hay hơi kỳ quặc vào tổ chức, bất biết người này giỏi thế nào, sẽ là một thảm họa.

7. Đừng đi phỏng vấn với tâm thế mình phải đạt được cái job này. Kinh nghiệm của tôi là khi nào thật thà, thoải mái trong phỏng vấn, coi đó như một cuộc trò chuyện và tìm hiểu về nhau thì lại được nhận việc. Cách đây gần năm, khi đang còn là SV, tôi có 1 cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Trước phỏng vấn tôi đã đoán mình sẽ bị hơi over qualified. Nhưng chúng tôi có 1 cuộc trò chuyện rất thú vị và tôi nói rõ tôi đang cần việc. Sau vài tháng, tôi nhận được email từ họ nói rằng họ sẽ có khả năng có 1 vị trí phù hợp hơn và đề nghị tôi thi và chuẩn bị những thủ tục cần thiết. Những ngày cuối năm vừa rồi tôi nhận được lời mời nhưng vì tôi đã nhận việc khác nên từ chối.

8. Tuy nhiên các bạn nên nhớ rằng phỏng vấn là một quy trình đầy bias và mang tính chủ quản (subjective). Giả sử có 5 người phỏng vấn bạn, họ có thể không đưa ra nhận xét thống nhất về bạn. Thế cho nên dù bạn có hài lòng với cuộc phỏng vấn như thế nào thì cũng hãy chuẩn bị tư thế rằng mình có thể bị out. Và nên nhớ, luôn gửi 1 email cảm ơn trong vòng 24h sau phỏng vấn. Điều này rất quan trọng để nhà tuyển dụng biết rằng bạn quan tâm đến công việc. Nếu có vài ứng viên ngang ngửa nhau mà có 1 ứng viên có thư cảm ơn thì chắc chắn tôi sẽ cho người này việc.