29 March 2010

[review] Google Nexus One

bài review công phu của sonlazio

Nexus One, chiếc điện thoại được Google cho ra đời không phải với mục đích lợi nhuận mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều với công ty này. Đó chính là thay đổi cách thức phân phối điện thoại ở Mỹ. Liệu Google có thành công với cách làm của mình không thì đó là việc của họ! Còn về phía những người dùng chúng ta, điều quan tâm duy nhất là Nexus One sử dụng có tốt không, có xứng với cái tên "siêu điện thoại" mà Google đặt cho nó không?
 
I)Phần cứng:
1)Thiết kế: Tốt

Google Nexus One (N1) có thiết kế truyền thống của dòng điện thoại cảm ứng, màn hình chiếm hầu hết mặt trước của máy, ở phía trên là loa thoại và đèn LED báo tín hiệu, cảm biến ánh sáng và cảm biến trạng thái. Ở phía dưới, Google trang bị 4 nút cảm ứng gồm back (quay lại), menu, home và search (tìm kiếm), tức là giống hệt Motorola Droid. Ngoài ra, N1 còn có thêm 1 viên bi lăn trackball giống với các máy Blackberry.










Cạnh trái của máy chỉ có 2 phím tăng giảm âm lượng, đỉnh máy là jack tai nghe 3,5mm và phím nguồn. Giống như các máy do HTC sản xuất khác, N1 không hề có phím chụp hình mà bạn buộc phải dùng màn hình cảm ứng. Đáy máy là vị trí của cáp MicroUSB, loa thoại và 3 nút lỗ nhỏ bằng đồng có tác dụng kết nối với đế ngoài.

























Nhìn tổng thế, cảm giác cầm Nexus One trên tay là khá tốt, mặc dù máy hơi dài nhưng bề ngang lại không rộng lắm nên bạn chẳng phải lo ngại nhiều nếu có bàn tay vào loại nhỏ nhắn. Bên cạnh đó, bộ khung viền quanh mặt trước và hông máy làm bằng kim loại, tạo cảm giác khá cao cấp. Bộ khung này còn được kéo dài qua mặt sau, ngăn cách nắp pin và phần còn lại của máy.




HTC đã làm nắp pin bằng nhựa chứ không phải kim loại như khung viền nên nhiều người sẽ không thích lắm. Dù sao thì mặt sau của Nexus One cũng khá gọn gàng và đẹp mắt với camera, đèn Flash trợ sáng, loa ngoài, microphone thứ 2, logo Google và HTC. Do không phải làm bằng nhựa bóng nên N1 không hề bám vân tay, bù lại, máy sẽ thiếu vẻ bóng bẩy thường thấy ở các điện thoại dạng này của HTC.










2)Phím bấm: Khá

Khi nói về phím bấm của N1, ta có 2 loại là phím thực và phím cảm ứng. Cảm giác bấm các phím thực của N1 khá tốt, phản hồi nhanh và không gây bất cứ sự khó chịu nào nhưng khi khi bạn bấm phím cảm ứng lại là chuyện hoàn toàn khác.










Do có một gờ nhỏ ở phần nối tiếp giữa màn hình với bộ khung kim loại mà sẽ rất khó để bạn có thể tiếp xúc chính xác với các phím cảm ứng. Khi mới sử dụng, hầu như mỗi lần mình bấm đều phải chạm đến lần thứ 2 thì máy mới chịu hiểu lệnh! Điều này hoàn toàn trái ngược với Motorola Droid hay thậm chí là chiếc Touch HD của chính HTC trước đây. Kinh nghiệm của mình rút ra sau một thời gian dùng máy là cố gắng bấm vào phần trên, tránh tiếp xúc với khung máy và màn hình nhưng cũng chỉ giảm được phần nào! Quả thật đây là điều rất khó chịu, máy hiện đại để làm gì khi ta bực mình khi sử dụng nó?




Trackball của Nexus One cho cảm giác giống hệt như trên các máy Blackberry. Tuy vậy, viên bi này mang tính trang trí nhiều hơn là có tác dụng thật bởi vì màn hình cảm ứng của máy đã quá tốt. Thêm vào đó, do Nexus One dài nên bạn buộc phải với ngón cái rất nhiều nếu muốn sử dụng. Qua khoảng 1 tuần dùng máy thì mình dùng viên bi này vào duy nhất 1 việc là lăn qua lăn lại cho vui vì cảm giác của nó rất "sướng"!




3)Màn hình: Tốt và xấu

Nếu mới nhìn vào, bạn sẽ có cảm giác màn hình của Nexus One rất đẹp, màu sắc tươi tắn và nịnh mắt. Nhưng khi dùng một thời gian, bạn sẽ thấy "bộ mặt thật" của màn hình này. Không phải là xấu vì nhìn vẫn rất thích mắt nhưng màn hình AMOLED 3,7 inch của N1 bị ám màu nặng, giống một số các màn hình AMOLED khác.










Thường thì mỗi màn hình AMOLED bị ám một màu và đối với N1, nó là màu hồng. Thậm chí ngay cả màu trắng bình thường bạn cũng nhìn ra nó hơi hồng hồng một chút. Người ta thường nói "Xanh xanh đỏ cho em nhỏ nó mừng" nhưng mà N1 đâu có phải là điện thoại cho con nít? Mình đã ngạc nhiên như màn hình này ám màu quá mức và qua tìm hiểu, phát hiện được một sự thật đáng buồn: Màn hình N1 dùng công nghệ chế tạo cho các máy giá rẻ!




Theo kết quả từ sự hợp khác của 2 trang web uy tín về màn hình là DisplayMate và DisplayBlog, màn hình N1 dùng công nghệ PenTile chứ không phải RGB. Mình sẽ nói sơ qua một chút về công nghệ màn hình để bạn có thể hiểu hơn:




Thông thường, mỗi điểm ảnh trên màn hình có thể hiển thị được 3 màu là đỏ, xanh lá và xanh dương (Red, Green, Blue – RGB) rồi từ đó phối hợp với nhau tạo nên các màu sắc khác nhau. Nhưng cấu trúc PinTile lại khác, một điểm ảnh chỉ có thể hiển thị một màu xanh lá và 1 trong 2 màu đỏ hoặc xanh dương. Không chỉ có vậy, hình ảnh trên N1 chỉ là 16 bit màu trong khi các máy khác thường là 18 hoặc 24 bit màu! Công nghệ chế tạo màn hình của N1 chỉ dùng cho các dòng máy giá rẻ nhằm tiết kiệm chi phí.




Không biết ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng màn hình của N1? Công ty quản lý Google, công ty sản xuất HTC hay nhà cung cấp màn hình Samsung? Dù là ai thì cũng thật đáng thất vọng cho khi một chiếc "siêu điện thoại" lại có phần bên trong tệ như vậy. Nhất là khi màn hình được cân chỉnh quá tệ trong quá trình sản xuất dẫn đến tính trạng lệch màu thế này.




Nếu không phải dùng AMOLED mà dùng LCD thì chất lượng của máy sẽ rất tệ, tuy vậy, nhờ vào độ phân giải cao và công nghệ AMOLED mà độ tương phản và sắc nét của máy rất khá. Cũng như các màn hình OLED khác, N1 hơi khó nhin khi ra ngoài nắng. Tổng kết lại, mình chỉ hơi thất vọng khi biết được sự thật bên trong chứ không phàn nàn nhiều về chất lượng máy.




4)Sức mạnh và pin: Tốt và trung bình

Sử dụng CPU Qualcomm SnapDragon 1 Ghz và 512MB RAM, có lẽ ta không phải phàn nàn về sức mạnh của N1. Máy dễ dàng xử lý các tác vụ một cách nhanh chóng. Khi thử tải các chương trình nặng như Google Earth mới thấy sự khác biệt giữa SnapDragon và TI OMAP3430 của Motorola Milestone chứ trong các công việc hằng ngày, mình thấy cả 2 đều tốt như nhau.




Bên cạnh đó, thử nghiệm bằng game 3D neocore cho thấy khả năng dựng hình 3D của SnapDragon cũng cao hơn OMAP3430. N1 đạt 26 khung hình một giây trong khi Milestone chỉ có 20 khung hình một giây. Tuy nhiên, sự khác biệt này là không đáng kể vì màn hình Milestone có độ phân giải cao hơn một chút và neocore được viết ra bởi chính Qualcomm.




Dung lượng pin 1400mAh và màn hình AMOLED cũng giúp Nexus One tồn tại lâu hơn các điện thoại thông minh cao cấp khác một chút. Khoảng 1-1,5 ngày thì mình phải sạc một lần với cường độ như sau, dù sao đây cũng là mức chấp nhận được.





Mình là một người sử dụng điện thoại ở mức khá. Một ngày trung bình nhận được khoảng 15-20 email và trả lời hơn một nửa số đó, gọi điện khoảng 10-15 phút, nhận 25-30 tin nhắn và trả lời gần như hoàn toàn. Mình cũng rất hay duyệt web trên điện thoại với khoảng từ 1-1,5 tiếng, dịch vụ Google Talk chạy nền dù hiếm khi chat. 3G mở liên tục


5)Quay phim, chụp hình: Khá

Camera 5Mp của N1 cho chất lượng khá tốt ở điều kiện đủ sáng nhưng khi chụp thiếu sáng, đèn flash LED tí hon của máy chẳng giúp được gì nhiều. Hình ảnh hiển thị trên màn hình sẽ hơi khác khi bạn xem trên máy tính vì lỗi "hồng hào" nói ở trên. Khả năng quay phim của máy cũng ở mức bình thường vì tuy độ phân giải cao 720x480 nhưng lại chỉ có khoảng 20 khung hình 1 giây. Khi ở chế độ quay phim thì đèn flash cũng không dùng được.




II)Phần mềm:

Về mặt cơ bản, các tính năng của Android đã được mình nói đến ở bài đánh giá Motorola Milestone nên tạm thời không nhắc lại nữa mà chỉ nói về những điểm khác biệt giữa Android 2.1 trên N1 và 2.0 trên Milestone mà thôi.




1)Các thay đổi trong giao diện:

Ngay từ khi cầm máy lên bạn đã nhận thấy thay đổi này, Google đã thêm vào một số hình nền động làm cho N1 trở nên đẹp hơn. Có nhiều người cho rằng điều này không cần thiết vì nó sẽ gây tốn pin nhưng theo mình, nó khá đẹp và thú vị. Bên cạnh đó, màn hình chủ cũng được mở rộng thành 5 trang chứ không còn 3 trang như trước đây.




Vì số trang tăng lên nên Google cũng đồng thời bổ sung thêm 4 dấu chấm tròn ở 2 mép màn hình phía dưới giúp bạn biết mình đang ở trang nào. VÍ dụ như ở trang giữa thì mỗi bên 2 chấm, trang 2 thì 1 bên 1 chấm, bên còn lại 3 chấm. Nếu không thích vuốt ngang màn hình để qua trang thì bạn cũng có thể chạm vào dấu chấm là được.















Thay đổi thứ 2 ở giao diện chính là Android 2.1 đã được bổ sung thêm một số hiệu ứng 3D. Khi bạn vuốt lên xuống trong màn hình icon sẽ làm xuất hiện một số hình nổi khá đẹp giống với hiệu ứng cube trên phần mềm SPB Shell cho WM.




Thay đổi thứ 3 cũng chính là thay đổi được hoan nghênh nhất: giao diện xem hình. Nhờ vào sức mạnh của SnapDragon mà Google cũng dễ dàng mang hiệu ứng 3D vào đây, khi bạn ở màn hình xem album, nghiêng máy qua phía nào thì album cũng tự động được nghiêng theo, đồng thời chọn 1 album nào thì hình đầu tiên của album đó sẽ được hiển thị ẩn hiện đằng sau, rất đẹp và vui mắt. Bạn cũng có thể quản lý từng album một theo cách quản lý từng hình một. Đúng là bằng lời nói thì khó mà hình dung được sự đẹp mắt và tiện lợi của các quản lý album này.




















2)Các thay đổi khác:

Tính năng điều khiển bằng giọng nói được Google mang vào Android 2.1 khá thành công. Bạn có thể đọc để gọi điện, nhắn tin, soạn email… dễ dàng. Tuy vậy, tiếng Việt chưa được hỗ trợ nên việc sử dụng này tính năng này không khả thi lắm ở nước ta. Các trang tin cho biết độ chính xác của phương pháp này khá cao, lên tới khoảng 80%.















Học tập các hệ điều hành khác, Android nay cũng đã tính năng sao lưu lên máy chủ. Về mặt lý thuyết, những chương trình, thiết lập, nhạc chuông… đều có thể sao lưu hết nhưng thực tế cho thấy mình phải tải về toàn bộ những ứng dụng cũ bằng tay khi format máy. Tuy vậy, những thứ khác được phục hồi khá tốt, từ danh bạ, lịch hay thiết lập…










Duyệt web nay cũng tiện hơn vì N1 cho phép tự co chữ lại cho phù hợp với kích thước màn hình, bạn không còn phải zoom "miệt mài" như lúc trước nữa. Trình duyệt Chrome cũng hỗ trợ thêm các plug-in dù mình chưa thấy cái nào!




Cuối cùng, giao diện đồng hồ cũng được đổi mới. Ở Android 2.1, giao diện đồng hồ giống như một khung ảnh số cho phép hiển thị giờ, nhiệt độ… Bạn cũng có thể chỉnh cho nó phát nhạc, tự động chuyển qua lại giữa các hình hay thậm chí tắt đèn màn hình để tiết kiệm pin.










Như vậy, có thể nói Android 2.1 đã hoàn thiện hơn các bản Android trước đó khá nhiều về mặt giao diện. Chỉ cần chỉnh sửa cho phần thiết lập bớt rối rắm hơn, bổ sung thêm một vài tính năng mới, đặc biệt là nâng cấp hỗ trợ các thư viện đồ họa đời mới như OpenGL ES 2.0 thay vì 1.1 hiện thời là đã có thể coi như gần hoàn thiện rồi.




Tổng kết:

Về mặt phần mềm, Android 2.1 là một sự thay đổi lớn so với Android 2.0 cũ nhưng xét về phần cứng, Nexus One cũng không hơn Milestone là mấy. N1 thua bàn phím và chất lượng máy nhưng hơn về CPU và thời lượng pin. Trừ khi giá của Nexus One xuống bằng Milestone thì mình mới chọn nó, còn không, Milestone vẫn là một lựa chọn hợp lý hơn nhiều.




Ưu điểm:

Màn hình nịnh mắt.

CPU mạnh.

Pin khá.

Hỗ trợ tốt từ cộng đồng người dùng.

Phần mềm tốt.

Nhược điểm:

Cấu tạo màn hình rẻ tiền.

Tỷ lệ hiệu năng/giá tiền thấp hơn Milestone.

Không có nút camera.

Đèn flash không dùng để quay phim được.