5 June 2010

Nguyễn Ngọc Ngạn trải lòng với “Kỷ Niệm Sân Khấu”

chúng ta luôn xảy ra những tranh cãi bởi vì người ta không phân biệt rõ biên giới của việc nhận xét- phê bình và vu cáo- phỉ báng. “Ngày nào bạn nghe một người phát biểu một điều khác với ý của mình mà mình còn cảm thấy giận thì ngày đó bạn chưa hiểu tự do tư tưởng là gì”. Đối với tôi, tất cả những phán đoán, phê bình, nhận xét của người ta, mình đều phải chấp nhận với điều kiện phải đúng như người Mỹ nói “Honest Opinion” (ý kiến thành thật). Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận việc phỉ báng và vu cáo. Hai thái độ này có biên giới rất rõ. Thí dụ nếu có ai đó nói truyện này của ông Ngạn viết dở quá, bố cục dở, văn chương lôi thôi, đọc không ra gì thì đó là phê bình và đó là nhận xét mà tác giả phải chấp nhận. Nhưng nếu nói rằng cuốn truyện này ông ăn cắp của người khác hoặc nói rằng cuốn này ông Ngạn tuyên truyền cho CS thì đó là vu cáo. Hai chuyện đó khác nhau xa lắm


THANH TÙNG: Hiện nay đang có xu hướng “người người làm MC- nhà nhà làm MC”. Ca sĩ cũng muốn làm MC. Nhà văn, nhà thơ, bình luận gia, nhạc sĩ, bác sĩ, luật sư, linh mục, hòa thượng, chủ nhà hàng, thậm chí bầu show cũng muốn nhảy lên sân khấu làm MC. Hỏi ra, họ cho biết vì thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn làm MC thành công quá nên cũng muốn bắt chước. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?

NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC NGẠN: Tôi rất hân hạnh được nghe điều đó. Nhưng tôi không dám nhận mình giống như Tiger Woods là người đã làm cho Golf lên cao và phổ biến trên toàn cầu. Trước tôi đã có rất nhiều người làm MC. Ngay cả Paris By Night trước khi tôi bước vào cộng tác đã có anh Joe Marcel, Trần Văn Trạch, Việt Thảo, Ngọc Phu, La Thoại Tân, Kim Anh, Trần Quốc Bảo, Elvis Phương, Khánh Ly, sau đó đến anh Đỗ Văn (đài BBC), anh Lê Văn (đài VOA) rồi mới đến Nguyễn Ngọc Ngạn. Có thể vì trước đây, người ta đánh giá MC hoặc người ta không dành cho MC một chỗ đứng, hoặc chính những người làm MC không nghĩ vai trò của họ là quan trọng ngoài việc giới thiệu một bài hát hoặc kể một câu chuyện vui. Đến khi tôi đưa ra được hướng của mình là dùng diễn đàn Paris By Night để chuyên chở những kiến thức mà các em, các cháu ở thế hệ thứ hai này cần nhớ về lịch sử và văn chương Việt Nam. May mắn, việc tình cờ tôi nghĩ ra hướng đó lại khiến cho nhiều người cảm thấy MC có chỗ đứng quan trọng.
Khi anh Nam Lộc trả lời phỏng vấn của Việt Sun, anh cũng nói cảm ơn anh Nguyễn Ngọc Ngạn vì anh ấy là nhà văn. Anh dùng những lời trau chuốt và làm cho chỗ đứng của MC được người ta chú ý hơn. Tôi cũng ghi nhận một số ý kiến như thế. Và nếu quả thật tôi có góp một phần nào trong bước đầu làm cho chỗ đứng của MC được quan trọng thì đó là điều mà tôi lấy làm rất hãnh diện.

Vì anh đã nâng MC lên vị trí quan trọng trên sân khấu và cũng vì anh đã quá thành công trong vai trò MC, cho nên có vẻ như sẽ là nhiều áp lực và cũng sẽ là một thách thức lớn cho các MC trẻ muốn tiếp bước anh, đặc biệt trên Paris By Night trong tương lai?

NGUYỄN NGỌC NGẠN: Tôi có giới thiệu 4 người vào Paris By Night. Như tôi đã ghi lại rất rõ trong cuốn sách “Kỷ niệm sân khấu” vừa mới phát hành, đầu tiên là một người ở Florida, một người ở San Francisco, một người ở Houston và một người ở nam Cali. Đó là những người mà tôi đã giới thiệu có tính cách thúc đẩy. Nhưng trung tâm Thúy Nga cứ lưỡng lự chưa muốn dùng. Cho đến nay chỉ mới dùng bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh ở Houston.

Có 3 chương trình của Thúy Nga Paris mà tôi nhất định không tham dự là “Tuyển lựa ca sĩ”, “Celebrity Dancing” (1 và 2) với mục đích tạo cơ hội cho bác sĩ Thịnh. Ngay từ khi anh Sỹ Phú mất, Lê Uyên Phương, Lê Hựu Hà (thua tôi 1 tuổi), Trịnh Công Sơn…lần lượt ra đi, mỗi lần có một người nằm xuống hoặc không may bị tai biến mạch máu não thì tôi lại giục Thúy Nga Paris.

“Anh Lai ơi, với Mỹ, luôn luôn phải có một người back up. Anh tuyển MC đi để nếu chẳng may có gì đột ngột mà tôi không làm được thì có người thay thế”. Bước ban đầu, tôi dự định rằng nếu trung tâm Thúy Nga nhận một số người vào làm MC, thì tôi và cô Kỳ Duyên vẫn làm. Nhưng sẽ xen kẽ người mới vào cùng làm chung, vừa là để huấn luyện, vừa để thử sân khấu. Tôi sẽ để người đó giới thiệu khoảng 5 tiết mục đứng riêng và cùng giới thiệu chung với tôi hoặc cô Kỳ Duyên để thử phản ứng khán giả như thế nào. Dần dần, tôi sẽ rút lui, có thể một năm chỉ làm một chương trình vào dịp Christmas, hoặc các chương trình chủ đề quan trọng như “Huế- Sài Gòn- Hà nội”, “Chân dung người phụ nữ Việt Nam”…Còn các chương trình đại nhạc hội thì tôi bắt đầu nhường bớt lại vì tuổi đã lớn, chẳng biết lúc nào sẽ thôi.
Tôi có giới thiệu nhiều người với trung tâm Thúy Nga như vậy nhưng cho đến nay thì quý vị cũng thấy trung tâm Thúy Nga chỉ mới dùng anh Nguyễn Văn Thịnh mà thôi. Anh Thịnh cũng chỉ mới cộng tác với trung tâm 3 chương trình nên cũng chưa biết phản ứng của khán giả như thế nào.


Trong cuốn “Kỷ niệm sân khấu”, ở trang 187, anh so sánh giữa giới cầm bút và giới nghệ sĩ như sau: “Trên thực tế, những bất hòa giữa nghệ sĩ với nhau nếu có cũng không kéo dài được lâu bởi luôn luôn có những nghệ sĩ thân hữu hoặc bầu show đứng ra hòa giải. Và quan trọng hơn nữa, nghệ sĩ có ghét nhau cũng thường chỉ lèm bèm vài câu hoặc không hát chung show với nhau chứ không có sẵn ngòi bút trong tay để đem nhau lên mặt báo mà mạt sát. Người cầm bút lúc nóng giận thường khó kiểm soát được chính mình nên đôi khi tuôn ra những lời “cạn tàu, ráo máng” dù chuyện chẳng đáng gì. Vì vậy đã lỡ viết bài đả kích nhau rồi thì rất khó nhìn lại mặt nhau”.
Liệu anh có bi quan quá khi nhận xét về giới cầm bút như thế không?


NGUYỄN NGỌC NGẠN: Không! Thanh Tùng luôn nhớ rằng tôi cầm bút trước khi cầm micro. Tôi viết văn, viết báo khi mới ra hải ngoại vào năm 1979. Đến năm 1982, nghĩa là hơn 10 năm sau, tôi mới làm MC. Có thể nói, tôi cầm micro chỉ mới 20 năm, nhưng cầm bút thì đã hơn 30 năm. Và tôi vẫn tiếp tục cầm bút. Như trong lời mở đầu cuốn sách, tôi đã viết: “Đây chỉ là những nhận xét của cá nhân”. Đã gọi là nhận xét cá nhân thì mỗi người đều có nhận xét riêng. Với tôi, nhận xét đó là đúng vì tôi ở với nghệ sĩ, đi chung với nghệ sĩ 20 năm rất ít va chạm. Nhưng trong báo giới, chúng ta thấy những bài khen nhau, và chúng ta cũng thấy rất nhiều bài công kích. Với cá nhân tôi, tôi vẫn cho rằng nhận xét về giới cầm bút như vậy là đúng.

Nếu có một nhà văn nào đó nhận xét rằng tác phẩm của ông Ngạn bán chạy. Nhưng điều đó không có nghĩa ông Ngạn là một nhà văn đúng nghĩa và ông Ngạn viết văn hay. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

NGUYỄN NGỌC NGẠN: Tác phẩm bán chạy không có nghĩa là văn hay. Nhưng tác phẩm không bán chạy cũng không có nghĩa là văn hay. Tôi là người đưa tác phẩm ra công chúng giống như một nghệ sĩ đưa tiếng hát ra khán giả thì mình phải chấp nhận mọi sự phê bình. Người Mỹ gọi là “Honest Opinion”. Thí dụ bây giờ có một ngàn người đứng trước mặt Nguyễn Ngọc Ngạn và nói rằng truyện của ông viết dở quá. Tôi có thể buồn nhưng tôi không bao giờ giận vì đó là quyền nhận xét của mỗi người. Nếu mình không chịu đựng nỗi nhận xét đó thì mình không nên ra công chúng, mình không nên viết văn. Đó là quan niệm rất rõ của tôi.

Thời gian tôi làm Chủ tịch Văn bút, trong dịp đi họp Văn bút ở Bồ Đào Nha, tôi nhớ một ông nhà văn Anh đứng trước diễn đàn và nói rằng: “Ngày nào bạn nghe một người phát biểu một điều khác với ý của mình mà mình còn cảm thấy giận thì ngày đó bạn chưa hiểu tự do tư tưởng là gì”. Đối với tôi, tất cả những phán đoán, phê bình, nhận xét của người ta, mình đều phải chấp nhận với điều kiện phải đúng như người Mỹ nói “Honest Opinion” (ý kiến thành thật). Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận việc phỉ báng và vu cáo. Hai thái độ này có biên giới rất rõ. Thí dụ nếu có ai đó nói truyện này của ông Ngạn viết dở quá, bố cục dở, văn chương lôi thôi, đọc không ra gì thì đó là phê bình và đó là nhận xét mà tác giả phải chấp nhận. Nhưng nếu nói rằng cuốn truyện này ông ăn cắp của người khác hoặc nói rằng cuốn này ông Ngạn tuyên truyền cho CS thì đó là vu cáo. Hai chuyện đó khác nhau xa lắm.

Nếu chúng ta không phân biệt được sự phê bình và phỉ báng thì đôi khi dẫn đến tòa án. Chúng ta sống ở Mỹ hơn 30 năm mà vẫn chưa hiểu thế nào là tự do báo chí, tự do ngôn luận. Cho nên, cộng đồng chúng ta hơn 30 năm nay luôn xảy ra những tranh cãi bởi vì người ta không phân biệt rõ biên giới của việc nhận xét- phê bình và vu cáo- phỉ báng.

Ngọc Hạ, Ngọc Liên, Minh Tuyết, Thanh Hà, Chí Tài, Kiều Linh…nhờ anh mà cộng tác được với trung tâm Thúy Nga và nổi tiếng đến hôm nay. Giới văn nghệ hải ngoại hiện nay đang có lời đồn rằng muốn được nổi tiếng thì phải lấy lòng ông Nguyễn Ngọc Ngạn vì ông Ngạn được ví như “bố già” có đầy đủ quyền sinh sát đối với số phận của các ca sĩ, nghệ sĩ. Hễ theo ông Ngạn thì sống, còn chống ông Ngạn thì chết. Chuyện này có thật không anh?

NGUYỄN NGỌC NGẠN: (cười) Ai nói điều đó thì họ đánh giá tôi cao quá. Tôi không có giá trị đến cỡ đó đâu (cười). Nếu tôi có vị trí như thế, tôi cũng không dám nhận. Tất cả những người gần gũi làm việc với Thúy Nga lâu năm từ ngày tôi bước chân vào như Bảo Hân, Thế Sơn, Don Hồ…khi nghe lời đồn đó chắc chắn sẽ thấy sai vì thứ nhất, tôi là người rất công bằng. Thứ hai, tôi rất thường nâng đỡ những người có khả năng và tạo điều kiện cho người ta. Và chưa bao giờ tôi hỏi một người rằng tôi đưa cô vào (trung tâm Thúy Nga) cô phải trả cho tôi $100. Tôi chưa bao giờ đặt điều kiện khi tôi giới thiệu bất cứ người nào và cũng chưa bao giờ tôi đòi hỏi người nào đó phải lấy lòng mình.

Tôi thấy một người có khả năng thì tôi thường tạo điều kiện cho người đó phát triễn khả năng của mình. Tôi quan niệm những người may mắn trong văn nghệ là những người có cơ hội. Nhưng người đó có giữ được hay không là chuyện của người ta. Còn việc mình tạo cơ hội cho người ta lên sân khấu là chuyện của mình nhưng chưa chắc người đó ở được lâu vì nếu Trời không cho, mà trong chuyên môn, chúng ta thường gọi Tổ không đãi thì người đó không đứng lại lâu.

Nói tóm lại, tôi không có power lớn như lời đồn đãi mà Thanh Tùng đã nghe đâu.

Thế còn tình cảm giữa anh và các MC khác thì sao ạ?

NGUYỄN NGỌC NGẠN: Mình không nói chuyện trong lòng được vì trong lòng thì mình chịu. Nhưng đối với bề ngoài thì giao tình giữa tôi với các MC thì ai cũng đều tốt cả. Chẳng hạn như tôi gặp Thanh Tùng thì Thanh Tùng đối với tôi vẫn thế. Tôi gặp Trịnh Hội, Việt Thảo (Việt Thảo rất thân với tôi), Nam Lộc là người tôi rất quý. Hai người MC mà tôi đề cập trong cuốn sách “Kỷ niệm sân khấu” là anh Nam Lộc và Việt Thảo, là những người mà tôi đã cùng đi show và đã đứng chung sân khấu. Nói chung, từ 18 năm nay, khi làm việc, tôi không có va chạm nào đối với bất cứ các nghệ sĩ, kể cả MC.

Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn hôm nay đang có tất cả mọi thứ mà nhiều người mong muốn: tiền bạc, danh vọng, uy tín lẫn quyền lực. Có vẻ như hiện nay anh không thiếu điều gì cả?

NGUYỄN NGỌC NGẠN: (trầm ngâm rồi bật cười lớn) Ở trên đời này không ai không thiếu cái gì em à. Mỗi người đều có những ưu tư riêng. Tôi không biết trả lời thế nào khi em hỏi như vậy. Có thể em chỉ nhìn bề ngoài thôi. Tôi cũng có nhiều trăn trở của riêng mình mà buổi trò chuyện hôm nay có lẽ không tiện nói ra.

Xin cảm ơn nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã dành cho Thanh Tùng- Việt Tribune buổi trò chuyện thân tình và thẳng thắn này.



THANH TÙNG/Việt Tribune