23 June 2010

Nước mắm rươi

Về Duyên Hải ăn nước mắm rươi







Ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu như nước mắm Phú Quốc là đặc sản mang tính thương mại cao thì nước mắm rươi Duyên Hải (Trà Vinh) được xem là một thứ đặc sản có một không hai.


“Nước mắm ngự”

Các cụ già tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, cho biết: “Ai đến xứ này cũng đều nếm qua nước mắm rươi và mua vài lít đem về”. Ông Nguyên, một người dân trong xã tự hào: “Tôi có ông bạn ở Cần Thơ, lần nào qua chơi, ông ấy cũng bảo phải tặng vài lít mắm rươi đem về mới chịu”.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, rươi có nhiều ở các vùng ven biển Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… nhưng nhiều nhất là ở Trà Vinh. Rươi xuất hiện khoảng từ tháng mười một (âm lịch) đến sau Tết. Khi nước lớn cùng gió chướng thổi mạnh là thời điểm rươi ra nhiều. Thân rươi mềm nhũn. Lúc bơi dưới nước, các đốt chân rươi xòe ra giống như con rít, chúng quyện vào nhau thành từng dề trôi dọc theo những con sông miền biển. Dân quanh vùng dùng lưới, vợt để bắt.

Anh Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trường Long Hòa, nói: “Rươi sau khi bắt về cho vào lu, khạp và chêm muối. Sau đó đem phơi nắng, để khoảng hai tháng là có thể dùng được”. Lúc đó, xác rươi nổi trên mặt lu, còn phía dưới là nước mắm. Nếu muốn để lâu, hoặc mang bán thì phải đem nấu. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, nước mắm rươi sống ngon hơn vì giàu chất đạm và dễ ăn. Mắm rươi dùng làm nước chấm, kho thịt, cá là ngon nhất.

Có một giai thoại mà người dân vùng Duyên Hải hay kể đó là vào thế kỷ 18, khi chúa Nguyễn Ánh lánh nạn quân Tây Sơn có ghé vào bờ biển Trà Vinh, người dân nơi đây đã dâng lên nước mắm rươi. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long vẫn nhớ hương vị nước mắm này. Vì thế hằng năm, dân Trà Vinh đem sản vật này tiến cống vua nên mắm rươi còn được gọi là “nước mắm ngự”.


Làm nước mắm rươi là thu nhập chính của nhiều người dân tại Duyên Hải.


Xã Trường Long Hòa có 1.460 hộ gia đình, thì gần phân nửa trong số đó làm nước mắm rươi. Khu du lịch biển Ba Động tại Duyên Hải thu hút nhiều khách gần xa. Đến khu du lịch này, khách không chỉ tham quan cảnh đẹp của biển mà còn được thưởng thức đặc sản mắm rươi. Ông Nguyễn Văn Sen, chủ cơ sở nước mắm Hương Sen, cho biết: “Khi khách đến đây, ai cũng tìm mua nước mắm rươi vì đây là đặc sản có một không hai của Trà Vinh”. Mỗi tháng, cơ sở của ông Sen bán khoảng 500 lít nước mắm rươi cho khách du lịch và nhiều đại lý trong tỉnh.

Rươi ngày càng ít

Tại xã Dân Thành, nước mắm rươi còn là nguồn thu nhập của nhiều hộ dân. Đây là một trong những xã của Trà Vinh được chính phủ Canada tài trợ thực hiện dự án hỗ trợ người nghèo mua lu, khạp phục vụ chế biến nước mắm rươi; trợ giúp thiết kế nhãn hàng, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa nước mắm rươi vào siêu thị. Đây chính là cơ hội thoát nghèo của nhiều gia đình trong xã. Ngoài việc làm nước mắm rươi, nhiều người còn bắt rươi sống bán cho cơ sở chế biến nước mắm. Một đôi rươi (khoảng 40 lít) bán được từ 60.000-70.000 đồng, tùy thời điểm. Chính vì vậy, rươi còn là thu nhập chính của nhiều hộ nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người ngậm ngùi bỏ nghề làm nước mắm rươi. Ông Lê Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trường Long Hòa, cho biết: “Ngày trước, gần phân nửa hộ dân trong xã làm nước mắm rươi. Nhưng hiện nay, nhiều hộ không làm nữa vì rươi ngày càng hiếm”. Người dân cho biết, lúc còn hoang sơ, rươi có khắp nơi nên mạnh ai nấy bắt. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh, đất tự nhiên bị thu hẹp nên người dân không thể đi vớt rươi “chùa” như trước. Hơn nữa, các loại hóa chất đổ xuống sông, vuông nuôi tôm… đã khiến rươi không còn đất sống.

Khánh Hạ